Thông xe hầm chui ngàn tỷ, nút giao thông vẫn ‘căng’

12/01/2016 - 14:12
Sau 4 ngày chính thức thông xe hầm chui nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân giải quyết 2 điểm nóng nhất của Hà Nội về ách tắc giao thông. Tuy nhiên, chỉ 1 hầm chui phát huy hiệu quả rõ rệt.

 Nút hầm giao thông Trung Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) bên ùn ứ, bên thưa vắng xe

Bộ Giao thông Vận tải chính thức thông xe hầm chui nút giao thông ngã 4 Trần Duy Hưng – Phạm Hùng ngày 8/1/2016, thuộc dự án xây dựng nút giao Trung Hòa. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh có quy mô xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long – đường Trần Duy Hưng. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe cơ giới. Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm khoảng 614,13m. 

Ngày 11/1, dù đã thông xe 4 ngày, hầm chui nút giao thông này vẫn khá ít phương tiện qua lại. Còn phía trên, các phương tiện vẫn đông đúc như mọi ngày, tốc độ dịch chuyển khá chậm ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông trực chốt tại ngã tư này cho biết: Dù có hầm đường bộ nhưng áp lực điều tiết giao thông của công an giao thông vẫn "căng", thường xuyên phải chốt trực. Hầm đường bộ đã thông xe 4 ngày, nhưng áp lực giao thông tầng mặt đất giảm không nhiều, bởi hầm này dành cho các xe chạy hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và chiều ngược lại. Đây không phải là hướng chính của các luồng giao thông, nên chưa giảm tải được nhiều cho các luồng xung đột giao thông phía tầng mặt đất. Anh cho biết: Tuyến đường nối các bến Mỹ Đình – Giáp Bát đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc, dù đã có đường trên cao, nhưng rất nhiều xe tải, xe container, xe khách lưu thông, tình trạng ùn ứ rất dễ xảy ra vào giờ cao điểm. 


Nút giao thông Trung Hòa: Hầm đường bộ lưa thưa phương tiện, còn tầng mặt đất vẫn đông đúc


 Nút hầm giao thông Trung Hòa

Chung nhận định, anh Nguyễn Hoàng Minh, lái xe ôm gần đó, cho biết: Tình hình giao thông khu vực này chuyển biến chưa đáng kể. Phần lớn lưu lượng phương tiện chủ yếu chạy theo hướng Trần Duy Hưng rẽ sang Khuất Duy Tiến; từ Đại lộ Thăng Long rẽ hướng bến xe Mỹ Đình và hướng đi thẳng Thanh Xuân - Phạm Hùng. Những hướng đi này có lưu lượng phương tiện rất đông nhưng không thể sử dụng được hầm đường bộ. "Chính vì vậy, hầm đường bộ thì lưa thưa phương tiện, còn tầng giao thông mặt đất phía trên vẫn đông đúc, ùn ứ", anh Minh nói.

Không chỉ vậy, theo anh Minh, sau 4 ngày thông xe nút hầm giao thông này vẫn chưa đặt biển báo chỉ dẫn hướng đi, càng khiến cho người dân lúng túng, mất thời gian hơn. "Ai không có nhu cầu đi về Hòa Lạc, chót nhỡ đi xuống hầm thì buộc phải đi thêm 2 - 3km trên Đại lộ Thăng Long mới có lối rẽ cho các phương tiện quay đầu".

Dự án hầm nút giao thông Thanh Xuân thông xe, giúp giảm tình trạng ách tắc giờ cao điểm


Cùng thời điểm, Dự án hầm nút giao Thanh Xuân tại ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, cũng được thông xe, lại phát huy được tác dụng thấy rõ. Dự án này tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội. Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm là 980m. Theo ghi nhận, giờ cao điểm 8/1, các phương tiện di chuyển khá thuận tiện, giảm hẳn tình trạng ách tắc, ùn ứ thường thấy như những ngày trước. Phần lớn các “lô cốt” xây dựng đã được dỡ bỏ, khiến đường thông thoáng hơn, đặc biệt là hướng đi Nguyễn Trãi – Tây Sơn. Ngoài ra, đây là nút có 4 tầng giao thông đầu tiên của Việt Nam, gồm tuyến mặt đất, đường cao tốc trên cao, đường sắt trên cao (chưa hoàn thành) và đường hầm cũng giúp chia đều lưu lượng phương tiện, giảm xung đột giao thông ở tuyến mặt đất.

 Nút giao thông Thanh Xuân với 4 tầng giao thông

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm