pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thú chơi trà khiến nhiều chị em si mê
Nhắc đến trà, hẳn trong suy nghĩ của nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới Kungfu Cha của Trung Quốc hay Trà đạo (Chado) của Nhật Bản. Thế nhưng, trong văn hóa truyền thống của người Việt cũng có cách thưởng trà riêng. Thậm chí, dạo gần đây, trà còn trở thành một thú chơi của hội chị em sau những trend làm bánh, cắm hoa hay trồng cây lạ.
TRÀ VIỆT ĐÃ CÓ TỪ NGÀN NĂM
Các bậc tiền nhân quan niệm uống trà là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không có công thức nhất định nào. Bởi lẽ đó, chén trà đã đồng hành cùng người dân Việt Nam từ các trụ sở sang trọng đến bình dân, từ nhà ra phố, từ văn phòng, đến ngoài vỉa hè, tất thảy cuộc sống đều có sự hiện diện.
Sẽ không thể liệt kê hết các loại trà theo tên gọi, song, ta cần nhớ, người Việt có ba kiểu trà: trà tươi, trà hương và trà mạn. Trà tươi là thứ cổ xưa nhất, song, trà hương là loại trà đặc trưng nhất của người Việt. Thường có 6 loại hương phổ biến là nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. Đặc biệt, trong văn hóa của người Hà Nội, trà ướp hương sen Tây Hồ được coi là một thức uống tao nhã, chứa đựng cả một nghệ thuật đầy triết lý.
Còn không ướp hương, chú trọng đến cách thưởng thức nhiều hơn gọi là trà mạn. Thứ trà này yêu cầu khắt khe về cả loại trà, dụng cụ pha trà, quy trình và cả cách thưởng trà. Chẳng thế mà từ xưa đã có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh".
... NHƯNG GẦN ĐÂY MỚI TRỞ THÀNH XU HƯỚNG
Còn nhớ, thời điểm Tết Nguyên Đán 2021, giới "sành chơi" từng xôn xao về sự xuất hiện của một hộp trà cao cấp trong các giỏ quà. Sau khi tìm hiểu, nhiều người bật ngửa trước giá bán, một số lại bất ngờ khi biết người đứng sau thương hiệu đó là Nguyễn Thu Trang - bà xã Shark Hưng.
Hay bằng chứng rõ ràng nhất, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm trao đổi về trà, đạo cụ pha trà. Theo quan sát của người viết, có những nhóm chỉ mới thành lập từ tháng 06/2021 nhưng đến nay đã thu hút gần 50 ngàn thành viên và số lượng không ngừng tăng lên.
Dạo một vòng với hashtag liên quan, không khó để bắt gặp các workshop "Khởi Trà", các bài thảo luận về nghệ thuật thưởng thức hay những hình ảnh tao nhã, yên bình của các chị, các cô bên bàn trà.
Tiết lộ từ người vận hành phòng trà Hương Sa thuộc trung tâm bảo tồn văn hóa làng nghề Việt, Bát Tràng: "Kể từ khi mở cửa vào năm ngoái, đến nay, mỗi cuối tuần, nơi đây thu hút hơn 1 ngàn lượt khách, chủ yếu là các bạn trẻ ghé thăm, trải nghiệm hoạt động. Có nhiều bạn thành khách quen, tuần nào cũng vượt hơn 1 tiếng ngồi xe bus tới thưởng trà."
Chị T.T, người lớn lên ở làng sen Tây Hồ chia sẻ: "Lúc đầu, tôi chỉ muốn thử xem khả năng cảm nhận và ủ hương của mình đến đâu, có giữ được nghề truyền thống của gia đình hay không. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu uống trà sen của mọi người tăng lên đáng kể. Mà không phải ai cũng có kiến thức về trà. Vì đó, tôi mới quyết định mở rộng kinh doanh để giới thiệu đến mọi người một món quà tinh tế của thủ đô."
Bắt kịp sở thích của hội chị em, các không gian thưởng trà, shop kinh doanh trà cụ cũng ngày một nhiều hơn. Trên một số trang uy tín bày bán đa dạng các loại trà và dụng cụ pha trà với nhiều mức giá, phục vụ các thượng khách ở nhiều phân khúc khác nhau.
TÌNH CỜ “VA” VÀO TRÀ
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Lê Thị Linh theo đuổi công việc đúng chuyên ngành tài chính ngân hàng. Cách đây hơn 2 năm, khi còn làm dịch vụ Private (chuyên phục vụ các khách hàng thương gia) của một ngân hàng lớn, cơ quan yêu cầu các chuyên viên chăm sóc khách hàng phải biết thưởng trà. Do đó, chị đã tham gia một vài lớp đào tạo và dần hiểu biết hơn về trà.
"Lương duyên với trà của tôi xuất phát từ rất lâu rồi, hồi nhỏ tôi thường thắc mắc tại sao bố có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ một mình bên chén trà. Khi đi làm, thông qua những gì được trải nghiệm và cảm nhận từ công việc, tôi đã đến với trà một cách mềm mại và tự nhiên như vậy đó.", chị Linh chia sẻ.
Mọi công việc hiện giờ của chị Linh đều liên quan đến trà.
Chị Yến, người với "kinh nghiệm" thưởng trà 3 năm: "Chị từng có 15 năm làm trong lĩnh vực ô tô. Sau đó gặp một vài biến cố mà tìm đến trà và gắn bó tới hiện tại."
Phương Dung (25 tuổi, nhân viên quan hệ công chúng): "Khoảng thời gian nghỉ dịch khiến nhiều người thay đổi thói quen sinh hoạt, quan tâm sức khỏe hơn. Đây là một trong các lý do khiến thưởng trà trở thành một xu hướng. Không chỉ đàn ông, người già mà cả chị em phụ nữ, các bạn trẻ cũng chọn uống trà hàng ngày bởi có lợi cho sức khỏe."
SẴN SÀNG TỪ BỎ ĐỒ HIỆU ĐỂ ĐẾN VỚI TRÀ
Sau 3 năm “va” vào trà đã giúp chị Yến nghĩ chậm lại và có cuộc sống bình dị, viên mãn hơn. Hiện tại, ngoài là người vận hành không gian trà Hương Sa, chị còn nghiên cứu trà Việt và góp phần lan tỏa sở thích tốt đẹp này tới nhiều người.
Chưa từng tính toán số tiền đã bỏ ra, chỉ biết rằng, hiện chị Yến đang sở hữu 30 phẩm trà thuộc dòng thượng hạng. "Thay vì sở thích 3 năm trước là chi một số tiền lớn để sưu tập đồ hiệu như đồng hồ, giày dép, túi xách, nước hoa, quần áo… thì nay chị thích được trải nghiệm với những phẩm trà hơn.", chị Yến chia sẻ.
Những bánh trà được chị Yến bảo quản rất kỹ.
Có duyên tiếp xúc với các loại trà, dòng trà khác nhau song, đến giờ, chị Linh chưa sưu tầm trà. Chị bộc bạch: "Những người có kinh tế hơn họ sưu tầm trà và phải bảo quản bánh trà, phẩm trà rất tỉ mẩn. Mặc dù công việc hiện tại đều liên quan đến trà, nghiên cứu về trà, đạo nhưng tôi tự thấy mình chưa đạt đến tầm đó."
Tuy nhiên, chị Linh lại thích sưu tập trà cụ. "Mỗi chiếc ấm tử sa tôi chỉ dùng để pha một loại trà nhất định. Qua thời gian, vi lượng ở trà ngấm vào thành ấm, đến mức mà chỉ cần đổ nước lọc vào tôi cũng có thể nhận ra ngay nó đã dùng để pha loại trà gì.", chị cởi mở chia sẻ về thú vui này với bạn bè qua mạng xã hội.
Một vài ấm trà dòng tử sa chị Linh yêu thích.
Tự nhận mình có kiến thức ít ỏi về thú thưởng trà so với nhiều chị em, song, chị Nam Dương lại rất tự hào khi kể về “gia tài” của mình. "Sau 4 năm "nghiện trà", trên kệ trưng bày ở nhà mình đã có khoảng 130 - 150 ấm trà, chủ yếu là chất liệu gốm Nhật vì mình không thích dòng tử sa. Số chén thì cứ nhân lên gấp nhiều lần bởi vì tùy vào đó là bộ phục vụ cho độc ẩm (uống một mình) hay quần ẩm (uống cùng nhiều người)."
Một vài góc trưng bày trà cụ của chị Nam Dương.
Thích uống những loại trà lâu năm bởi vì hương vị đậm đà, chị Hà Ngọc Hương cũng có một ít phẩm trà: "Mình có mấy bánh phổ nhĩ chín, một ít hồng trà Ô long lâu năm, một ít trà khói Ô long, Hồng tiên, Hồng trà Lũng phìn và trà rừng. Các loại hồng trà loanh quanh chừng 2 triệu/kg, có bánh phổ tầm 6 triệu/ bánh."
Thế nhưng, ngoài "mê trà", chị Hương còn đam mê bất diệt với việc sưu tập lũa (những vật decor trên bàn trà như bình, lọ... có chất liệu gỗ lũa). "Số lũa của mình có thể xếp đầy kín một căn phòng nhỏ, giá trung bình khoảng 200-500 ngàn đồng. Nhưng mình chỉ giữ để dùng chứ không bán. Cả trà cụ cũng thế, mình tậu vài bộ về dùng cho phòng trà nhưng khách qua thấy ưng cứ năn nỉ mua lại.", chị Hương nói thêm.
Một vài mẫu lũa đặt cạnh bàn trà mà chị Hương tâm đắc.
CHI BAO NHIÊU LÀ ĐỦ ĐỂ THƯỞNG TRÀ?
Chị Hương Đoàn cho rằng, việc chi bao nhiêu cho thú trà này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi người, cứ làm sao cho phù hợp với bản thân mình là được. "Ở nhà mình chỉ dành không gian nhỏ ngoài ban công để hai vợ chồng và bé con cùng ăn bánh, uống trà. Vì vậy mình không sắm quá nhiều trà cụ. Nếu muốn thưởng thức, mình sẽ trả phí để tham gia các buổi giao lưu vào cuối tuần.", chị Hương nói.
Chị Hương bày bàn trà tại ban công gia đình.
Chị Hà Ngọc Hương khẳng định số tiền đã chi cho niềm vui tao nhã suốt 3 năm qua chưa đến mốc 50 triệu. "Với mình, trà có thể uống mọi lúc, mọi nơi, không quá câu lệ về hoàn cảnh hay kinh tế. Còn những ai muốn bắt đầu thưởng trà thì chỉ cần khoảng 2 triệu là vừa có trà ngon, vừa có một bộ trà cụ đầy đủ dụng cụ rồi."
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nam Dương đưa ra lý giải cụ thể hơn: "Để thưởng thức trà, bạn có thể chỉ tốn chừng 150 - 200 ngàn là mua được dòng Thái Nguyên ngon rồi. Nếu ai muốn thưởng thức các loại bạch trà, hồng trà xịn hơn thì bỏ ra 7-8 triệu. Cao hơn nữa, những loại như Shan tuyết cổ thụ, Phổ nhĩ có thể lên tới 12 triệu đồng 1 lạng, tùy vào phẩm cấp."
"Bộ pha trà đầu tiên mà minh dùng là được một người bạn tặng nên cũng không rõ giá trị. Sau đó mình mới tự bỏ tiền ra sắm một chiếc ấm mộc trị giá 600 ngàn đồng, tính giá trị hiện giờ sẽ vào khoảng 2,2 triệu.", chị Dương nhớ lại thuở mới "vào nghề".
Gần đây, chị Dương đang tâm đắc với một bộ bàn trà đầy đủ từ ấm, chén đến đồ decor bằng chất liệu gốm. Theo như chị tiết lộ: "Chiếc cốc hoa đen bên góc trái giá 1 triệu 2, ấm lam không tay cầm kèm theo 1 ly là 1 triệu 2, ấm trắng hoa xanh giá 1 triệu 2, ấm hohi màu xám có giá 650 ngàn, ấm quai mây giá bán 450 ngàn. Và cặp cá ở giữa hình là 1 triệu 250 ngàn. Đó là giá gốc, chưa tính các tiền phí đặt hàng và vận chuyện ở nước ngoài về."
"Nếu như người thưởng trà có 3 mức: thích, mê và ghiền thì mình phải ở mức siêu siêu ghiền. Giờ mà bảo có dứt được không thì là không thể. Từ ghiền, mình còn lấn sân sang tìm hiểu, rồi kinh doanh trà cụ. Mình cố gắng đi làm cũng là để thỏa mãn đam mê trà của bản thân.", chị Dương thú nhận.
(Ảnh: Huong Doan, Phòng trà Sương Mai, Anna Trương, Hương Ngọc Hà, Nam Dương)