Thủ tướng Đức - 'Nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015'

28/12/2015 - 21:37
Bình chọn do hãng AFP thực hiện. Các vị trí từ 2 đến 5 lần lượt là: Tổng thống Nga V. Putin; Giáo hoàng Francis; những người dân thủ đô Paris; bà Aung San Suu Kyi.

Một trong những yếu tố giúp Thủ tướng Đức được hãng tin Pháp AFP chọn là nhân vật của năm là chính sách chào đón 1 triệu người tị nạn tới Đức trong năm 2015. Mở cửa biên giới tiếp nhận làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đồng thời cố gắng tạo cho họ cuộc sống ổn định, bà Merkel được ví như “Đức Mẹ” trong lòng những người tị nạn. Bất chấp những chỉ trích công khai từ các nghị sĩ trong quốc hội và sự phản đối từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel đã đưa ra chính sách rộng mở với dòng người di cư. Bà Merkel đã cho cả thế giới thấy hình ảnh một nước Đức gần gũi, thân thiện, bác ái.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chào đón người nhập cư

Ngoài ra, bà Merkel cũng được coi là nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã có những đóng góp quan trọng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài tại Hy Lạp. AFP cho rằng bà đã luôn kiên định và đứng vững bất chấp việc Chính phủ Hy Lạp kiên quyết chống lại các biện pháp khắc khổ được đề ra để cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Sau bà Merkel, AFP đã xếp Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng thứ hai trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất khi nhà lãnh đạo Nga có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn trong năm qua. Dù chịu áp lực lớn trước việc nước Nga phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt, cố lập... ông Putin vẫn có những ảnh hưởng lớn trước các vấn đề quốc tế quan trọng nhất trong năm, nhất là những chính sách của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria, cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 


Người đứng thứ ba trong danh sách bình chọn là Giáo hoàng Francis. Giáo hoàng Francis có vai trò chính yếu trong việc kết nối trở lại mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ. Trong ảnh là Chủ tịch Cuba Raul Castro chào đón Giáo hoàng Francis ngay tại sân bay quốc tế ở Havana trong chuyến thăm nước này tháng 9/2015

Vị trí thứ 4 lại là những người dân thủ đô Paris của Pháp, những người đã vượt qua nhiều thời khắc kinh hoàng từ vụ tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ngày 7/1 tới vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tối 13/11 cướp đi mạng sống của 130 người. Bất chấp những đau thương, người dân Paris vẫn biểu thị tinh thần đoàn kết và lên án chủ nghĩa khủng bố.

Đứng vị trí thứ 5 là bà Aung San Suu Kyi - người đã mất gần 30 năm đấu tranh bền bĩ vì nền dân chủ ở Myanmar. Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã giành được 255 ghế trong hạ viện, 135 ghế thượng viện, 496 ghế trong nghị viện bang và vùng, chiếm 77,04% số ghế được bầu tại ba cấp trong quốc hội và lập ra chính phủ dân chủ đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm