pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thừa kali và những tác hại tới sức khỏe con người
1. Bao nhiêu kali là nhiều?
Không có giới hạn tiêu chuẩn hàng ngày đối với kali nhưng dung nạp một lượng lớn có thể gây ra nguy hiểm, gây thừa kali, dẫn đến tăng kali máu - tình trạng có quá nhiều kali trong máu.
Để cơ thể hoạt động tốt nhất, mức kali trong máu cần dao động trong khoảng từ 3,5 - 5mg/dL. Khi nồng độ kali cao hơn 5mg/dL có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi nồng độ kali cao hơn 7mg/dL có thể dẫn đến các triệu chứng thừa kali nguy hiểm.
Theo các nhà khoa học, lượng kali tối ưu cần tiêu thụ ở trẻ em là từ 400 - 4000mg/ngày, cho người trên 14 tuổi là 4500mg/ngày. Đặc biệt, phụ nữ cho con bú sẽ cần dung nạp 5100mg kali mỗi ngày.
2. Đối tượng có nguy cơ bị thừa kali
Hiếm khi bạn bị thừa kali chỉ bằng cách ăn thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như chuối và cà chua, trừ khi bạn có chức năng thận bất thường. Người có nguy cơ thừa kali thường liên quan đến một số loại bệnh và thuốc ảnh hưởng đến hệ bài tiết:
- Người bị bệnh thận.
- Sử dụng một số loại thuốc ngăn đào thải kali như thuốc ức chế hệ RAAS, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chẹn beta.
- Bổ sung kali không kiểm soát.
- Bệnh nhân Addison, một rối loạn có thể xảy ra nếu cơ thể bạn không sản xuất đủ một số hormone.
- Người có bệnh tiểu đường kiểm soát kém.
- Trải qua một chấn thương nghiêm trọng hoặc bỏng nặng.
Kali cao thường phát triển chậm trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, và nó có thể tái phát. Xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định mức độ kali trong máu. Do vậy, nếu nghi ngờ bị thừa kali thì bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu để biết kết quả chính xác.
3. Tác hại của việc thừa kali
- Nếu như bạn chỉ thừa kali ở mức độ nhẹ thì có rất ít triệu chứng. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng thường nhẹ và không đặc hiệu, có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược, yếu cơ, tê, ngứa ran, buồn nôn hoặc cảm giác bồn chồn.
- Quá nhiều kali khiến các tế bào không thể tạo ra được các xung lực kích thích dây thần kinh hoạt động. Do đó, thừa kali có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến bệnh nhân mơ hồ, chậm chạp, kém tập trung.
- Thừa kali có thể làm suy yếu cơ tim, làm giảm nhịp tim và cung lượng tim, mạch đập không đều, hạ huyết áp và có thể ngừng tim. Bệnh nhân có thể cảm nhận được tim đập nhanh, khó thở, đau ngực. Lượng kali tồn dư quá nhiều còn có thể gây chậm dẫn truyền nhĩ thất, có nguy cơ bị khuyết tật dẫn truyền, rối loạn nhịp thất và vô tâm thu. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng đòi hỏi phải chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Thừa kali cũng có thể kích hoạt yếu cơ xương và dẫn đến tê liệt. Sự yếu cơ có xu hướng lan từ chân đến thân và cánh tay. Yếu cơ hô hấp xảy ra trong những trường hợp hiếm. Thừa kali cũng gây ra chứng tăng động cơ trơn, đặc biệt là ở đường tiêu hóa, do đó bệnh nhân có thể bị buồn nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy.
4. Phòng tránh nguy cơ thừa kali
- Ăn uống cân bằng, hạn chế uống các loại nước có lượng kali cao (như nước điện giải, nước giải khát thể thao) khi không cần thiết.
- Cố gắng tránh một số chất thay thế muối vì chúng có nhiều kali.
- Nếu cần bổ sung kali thì cần có chỉ định và sự giám sát của bác sĩ.
- Kiểm soát tốt các bệnh như tiểu đường, thận, rối loạn hormone,...
- Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, nên xin ý kiến của bác sĩ.
Thừa kali nhẹ có thể dễ dàng được xử lý bằng cách uống nhiều nước hoặc uống thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, các triệu chứng thừa kali nghiêm trọng cần được cấp cứu nhanh chóng. Bởi nó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và nhịp tim, có nguy cơ gây ra đột quỵ, ngưng tim.
Nguồn: https://www.healthline.com/nutrition/fluoride-good-or-bad#section3