Thừa Thiên-Huế: Hỗ trợ phụ nữ vùng cao phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trong mùa dịch

Gia Hân
21/11/2021 - 17:19
Thừa Thiên-Huế: Hỗ trợ phụ nữ vùng cao phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trong mùa dịch

Cửa hàng bán nông sản của HTX nông sản an toàn A Lưới

Thông qua các chương trình đào tạo năng lực khởi nghiệp, xây dựng kinh tế tập thể, kết nối thị trường, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh… Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ sở Hội đã giúp nhiều chị em, hội viên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trước đại dịch Covid-19.

Tại huyện Nam Đông, một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế, có gần 50% dân số là người DTTS nên việc tiếp thu hay lựa chọn ngành nghề, việc làm còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cấp Hội ở địa phương đã đẩy mạnh mô hình "Giúp nhau cải tạo vườn tạp". Mô hình được xây dựng nhằm tạo thu nhập ổn định, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong xóm, ngoài làng, giúp chị em phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, mô đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, lồng ghép tuyên truyền các quy định về phòng chống dịch, thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng sâu vùng xa.

Hỗ trợ phụ nữ vùng cao của Thừa Thiên Huế vững vàng kinh tế trong mùa dịch - Ảnh 1.

Chuối Gìa lùn - A Lưới có mặt tại Big C Huế

Điển hình như chị Phạm Thị Với (Hương Sơn, Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) đã vươn lên thoát nghèo và giữ vững kinh tế trong mùa dịch. Chị Với được Hội LHPN xã Hương Sơn hỗ trợ thực hiện mô hình "Giúp nhau cải tạo vườn tạp" và được Hội hỗ trợ 1 tạ phân bón, tặng gần 200 cây giống là chuối và dứa, đồng thời được các chị huy động ủng hộ ngày công để trồng. Hiện vườn cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu nhập ổn định. Gia đình chị Với từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Chị còn quay lại giúp đỡ cho nhiều chị em khác gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua bằng cách nhân cây giống để tặng lại cho hội viên phụ nữ khác.

"Nhờ biết đến mô hình cải tạo vườn tạp và được các chị bên Hội giúp đỡ nên mùa dịch tôi vẫn tìm được đầu ra cho chuối và dứa. Giá cả lúc đỉnh dịch thì có hơi thấp một tí nhưng cũng qua nhanh. Nhìn chung, kinh tế gia đình vẫn được giữ vững", chị Với chia sẻ.

Hội LHPN xã Hương Sơn đã thành lập tổ liên kết "Trồng và tiêu thụ chuối thanh tiên và dứa an toàn xã Hương Sơn". Hiện nay, tổ liên kết đang nỗ lực kết nối, đưa sản phẩm của hội viên vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp chị em nâng cao thu nhập. Nhờ có việc làm ổn định tại chỗ và được sự trợ lực từ Hội LHPN nên các chị em trong tổ liên kết đã tiêu thụ được nhiều nông sản trong mùa dịch vừa qua.

Hỗ trợ phụ nữ vùng cao của Thừa Thiên Huế vững vàng kinh tế trong mùa dịch - Ảnh 2.

Tổ liên kết sản xuất rau sạch tại xã Hương Phong

Với phương châm "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giúp phụ nữ tìm được tiếng nói trong gia đình, xã hội", thời gian qua các hoạt động hỗ trợ đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế được Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế và các cấp Hội đặc biệt chú trọng. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các chương trình hỗ trợ như: đào tạo năng lực khởi nghiệp, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, trao vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh… Trong đó, xây dựng mô hình kinh tế tập thể là hướng đi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện phụ nữ vùng cao. Mô hình càng phát huy được hiệu quả, ít chịu tác động tiêu cực trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Nổi bật là Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn A Lưới (A Lưới, Thừa Thiên Huế). HTX được thành lập vào năm 2016 với với 15 thành viên là hội viên phụ nữ người đồng bào DTTS. HTX nhận bao tiêu tất các các sản phẩm từ các tổ liên kết chuối, rau, cây ăn quả, nuôi gà, lợn tại các xã lân cận. Đây là các sản phẩm an toàn nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho chị em với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người.

HTX đã mở 1 cửa hàng tại thành phố Huế và đưa sản phẩm chuối già lùn A Lưới vào hệ thống siêu thị Big C Huế và toàn quốc. Trong mùa dịch, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh và tạo nhiều phấn khởi cho các thành viên trong HTX.

Hỗ trợ phụ nữ vùng cao của Thừa Thiên Huế vững vàng kinh tế trong mùa dịch - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT A Lưới, người dân tộc Tà Ôi, Chủ nhiệm HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, Hội LHPN huyện A Lưới còn có thêm HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới. HTX do chị Hồ Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT A Lưới, người con của dân tộc Tà Ôi làm chủ nhiệm. Hiện tại, HTX đã tạo được 20 mẫu sản phẩm lưu niệm có gắn kết vải Zèng và hoa văn cườm như: mũ nam nữ, cài, kẹp tóc, hoa tai, cà vạt, thắt lưng, túi xách nam nữ, khăn quàng cổ, búp bê, huy hiệu, ví điện thoại, dây đồng hồ, tranh thư pháp, áo dài, nơ, dây thun cột tóc, ba lô, vòng tay…

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm