pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thực hư mũi tiêm giá 2 triệu giúp đẻ không đau
Gần đây, nhiều sản phụ truyền tai nhau về một dịch vụ giúp mẹ đẻ không đau, chỉ 3 triệu đồng mà mẹ khoẻ, con khoẻ. Vậy mũi tiêm đó là gì? Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ chuyên khoa I, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Trung Đạo đã chia sẻ như sau:
Đẻ không đau là gì?
Đẻ không đau hiểu đơn giản chính là một thủ thuật gây tê ngoài màng cứng mà rất nhiều mẹ bầu hiện nay yêu cầu thực hiện trong quá trình chuyển dạ. Phương pháp này sẽ được tiến hành khi các cơn gò tử cung xuất hiện mạnh cũng như bản thân mẹ bầu không có bất cứ bất thường nào trong quá trình chuyển dạ. Sau khi tiến hành gây tê ngoài màng cứng, mẹ sẽ mất hoàn toàn cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng phần trên vẫn hoàn toàn tỉnh táo, vẫn nhận biết được có cơn co tử cung vì thế rặn đẻ bình thường.
Đẻ không đau mất bao nhiêu tiền?
Sẽ phụ thuộc vào phương pháp sinh của mẹ là sinh thường hay sinh mổ, bệnh viện mẹ chọn là bệnh viện công - tư hay dịch vụ cao cấp... Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình. Giá dao động từ 1-2 triệu đồng.
Lúc tiêm có đau không?
Bác sĩ gây mê sẽ sử dụng một bộ dụng cụ chuyên dùng để thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, có sử dụng thuốc gây tê tại chỗ vùng đi kim nên trong suốt quá trình làm thủ thuật hầu như sản phụ sẽ không đau hoặc chỉ đau châm chích nhẹ vùng lưng.
Ưu điểm của gây tê ngoài màng cứng
Mũi tiêm này có lộ trình giảm đau hiệu quả xuyên suốt cuộc chuyển dạ. Bác sĩ gây tê có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau thông qua điều chỉnh linh hoạt loại thuốc, liều lượng và cường độ của thuốc. Thông qua đó bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai nhi và cho mẹ. Vì hiệu quả của thuốc chỉ khu trú ở một vùng, sản phụ sẽ tỉnh táo và ý thức được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình.
Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ một lượng thuốc rất nhỏ có thể ảnh hướng tới em bé. Dủ giảm đau khi có chỉ định can thiệp khác (Ví dụ: lấy thai bằng forcep, cắt tầng sinh môn, kiểm soát tử cung sau khi sổ rau, khâu tầng sinh môn... Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng chính catheter NMC có sẵn để làm vô cảm khi mổ và làm giảm đau sau mổ.
Nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng
Sản phụ phải nằm tư thế nghiêng người, cong lưng, hai đầu gối co sát lên cao trong lúc bác sỹ gây tê ngoài màng cứng - gây khó thở và khó chịu cho bụng bầu. Cơn co tử cung có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi thuốc gây tê làm cuộc chuyển dạ kéo dài hơn nhưng khắc phục được bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co tử cung nhờ monitoring và điều chỉnh bằng thuốc.
Thuốc tê được dùng trong gây tê ngoài màng cứng có thể gây ngứa, đặc biệt ở vùng mặt của sản phụ. Nó cũng có thể khiến buồn nôn nhưng nhẹ và ít gặp hơn so với hình thức dùng thuốc gây mê toàn thân.
Sau khi được gây tê có thể mất cảm giác buồn tiểu, vì vậy sản phụ được chỉ định đặt ống thông tiểu để hỗ trợ tiểu tiện.
Hiện tượng đau đầu sau khi đẻ với sản phụ dùng phương pháp tê ngoài màng cứng cũng thường xảy ra. Nếu chỉ thoáng qua và mức độ nhẹ thì không cần điều trị cũng sẽ tự hết, không để lại di chứng thần kinh gì. Nếu đau nhiều có thể truyền dịch, dùng thuốc, hướng dẫn sản phụ tư thế nằm, cách ăn uống, nghỉ ngơi…).
Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến em bé không
Hoàn toàn không! Thuốc tê sử dụng để gây tê ngoài màng cứng không gây nguy hiểm gì cho bé. Gây tê ngoài màng cứng chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé. Huyết áp của mẹ phải được giữ ổn định và theo dõi thường xuyên, nếu cần có thể được điều chỉnh bằng thuốc.
Tiêm xong mẹ sẽ không đau khi đẻ nữa?
Sau khi gây tê ngoài màng cứng khoảng 10 phút, cơn đau do cơn co tử cung sẽ giảm đi nhiều và dễ chịu hơn (kéo dài cả đến khi khâu tầng sinh môn). Sẽ có khoảng 1 trong 20 sản phụ chỉ giảm đau 1 bên cơ thể hoặc ít giảm đau sau khi gây tê nên bác sĩ gây mê sẽ thực hiện thêm một thủ thuật nào đó để đảm bảo hiệu quả giảm đau tốt hơn. Cho dù gây tê ngoài màng cứng hoạt động tốt thì đến cuối cuộc chuyển dạ mẹ bầu vẫn sẽ cảm nhận thấy cảm giác tức nặng lên vùng hậu môn, âm đạo và đó là động lực để rặn đẩy em bé ra ngoài.
Tiêm xong có bị đau lưng, mệt mỏi, ảnh hưởng sức khoẻ sau này?
Không!
Đau lưng: Đây chính là điều lo lắng nhất của sản phụ cũng như người thân khi họ tìm hiểu về phương pháp "đẻ không đau". Về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp "đẻ không đau" khi đi sinh, vẫn gặp đau lưng sau sinh. Đau lưng sau sinh có thể do những nguyên nhân sau: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh do đau... Tuy nhiên, nếu đau do gây tê ngoài màng cứng tại vị trí tiêm, nó sẽ tự hết trong 48 giờ.
Xin cảm ơn bác sĩ!