Cô Nguyễn Tú Anh, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết ngày 20/11 năm ngoái, những học sinh cũ trở về trường thăm cô và nhất định rủ nhau đi thưởng thức mỳ cay.
“Mấy đứa giới thiệu và ca ngợi hết lời: Cô ơi đi ăn thử đi, ngon và rẻ, quán lại đẹp và các cấp độ cay thì tuyệt cú mèo. Thấy bùi tai, thế là mấy cô trò cùng nhau lên đường. Tuy nhiên để được ẩm thực món mỳ cay này cũng là một quá trình gian nan”, cô Tú Anh nhớ lại.
Do không đặt chỗ trước, cô và trò hơn 20 người đi lòng vòng mấy quán mỳ, đến đâu cũng bị từ chối. Cuối cùng phải sang quận Long Biên, cô, trò vào được một quán mỳ Sasin cũng đã hơn 1 giờ chiều.
“Phải nói thật, mình không ăn được cay nên các con gọi cho cô bát mỳ 0 độ, mà cũng đã cay rồi. Mấy đứa gọi đến các cấp độ 2-3 thì không biết cay đến mức nào. Song, nhìn các con, đứa nào đứa nấy xì xụp ăn, cái miệng phồng lên thổi thổi, nước mắt thì long lanh như trực tràn ra… trông rất đáng yêu”, cô Tú Anh kể.
Mỳ cay 7 cấp độ từng 'làm mưa làm gió' thị trường ẩm thực. |
Cơn sốt “mỳ cay” lan nhanh chóng giới trẻ, như một trào lưu họ truyền tai nhau, bình luận “ầm ĩ” trên các trang mạng xã hội, cuốn theo cả giới truyền thông vào cuộc.
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, thời điểm từ ngày 1/8/2016 đến 15/2/2017, có 1.683 lượt đăng tải thông đến chủ đề “mỳ cay 7 cấp độ” trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Các lượt đăng tải thông tin này đã thu hút 60.485 bình luận và 921.993 lượt tương tác.
Mỳ cay đang… “nguội”
Không khí ồn ào, chen chúc tại các quán mỳ cay ở thời điểm cuối năm ngoái đã nhanh chóng qua đi. Kể cả những quán nổi tiếng vốn rất đông nghẹt khách thì nay cũng đã “thoáng” hơn rất nhiều.
Chị Nguyễn Thu Hà, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ, hai đứa con của chị (một học cấp hai, một học cấp ba) cũng thỉnh thoảng rủ mẹ đi ăn mỳ cay. Chiều các con nên chị mới tới, bởi theo thói quen ẩm thực của chị thì mỳ cay không hấp dẫn đến độ có thể gây ra những cảm giác thèm thuồng và nhớ nhung.
“Bát mỳ vốn lấy vị cay là chủ đạo vì thế các hương vị khác gần như bị át đi, do đó để tạo thành một món ăn thường xuyên và lôi cuốn là không dễ”, chị Hà nhận xét.
Không có quan điểm giống như người lớn, cháu Nguyễn Thùy Trang, học sinh cấp ba, Q.Ba Đình, Hà Nội, cho rằng, bên cạnh thưởng thức mỳ cay thì các bạn trẻ đến các quán này vì nó được thiết kế với phong cách rất trẻ trung, có thể vừa ăn, vừa uống và tán chuyện bạn bè.
Tuy nhiên, Trang cũng phải công nhận, các nhóm bạn của mình đã không còn quá “cuồng” ăn mỳ cay như hồi mới xuất hiện tại Hà Nội.
“Các cửa hàng ăn, uống… thiết kế phù hợp với giới trẻ hiện có quá nhiều, vì vậy các quán mỳ cay giờ đây cũng chỉ là trong những lựa chọn tụ tập của họ. Hơn nữa không phải ai cũng thích ăn cay, mà nếu thích ăn cay phải những món ăn vặt truyền thống hấp dẫn cũng có vô khối”, Trang nói.
Một tối thứ 6, bần thần nhìn những nhóm khách hàng lác đác vào quán, Dư Tôn Danh, chủ một quán mỳ cay ở Hà Nội, không khỏi thở dài. Nhớ lại cách đây mấy tháng, khách hàng không đặt chỗ trước thì cửa hàng chỉ có thể từ chối. Vậy mà giờ, doanh thu mỗi ngày quá thấp, lo trả tiền nhà và nhân viên cũng khá căng thẳng.
Danh cho biết, ngoài những món mỳ cay có sẵn trong danh mục thì nay để thu hút thêm khách, cửa hàng đã bán thêm các loại lẩu và các loại nước uống cũng phong phú hơn. Tuy nhiên về lâu về dài, cửa hàng đang tính đến một số các phương án kinh doanh khách bắt kịp nhu cầu và phong cách giới thượng khách “vốn thay đổi rất nhanh” này.
“Cháu cùng mấy bạn đi gần chục cây số để thưởng thức bằng được món mỳ bay. Nguyên nhân là các bạn trong lớp đưa ảnh lên facebook thấy kỳ lạ và hấp dẫn quá. Nhưng đi một lần là được rồi, bởi quán khá xa, trong khi gần khu vực trường học có quá nhiều quán cảnh đẹp có thể tụ tập cùng bạn bè”, Trang nói.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực mang tính “trào lưu” với phân khúc khách hàng là những người trẻ tuổi thật sự là rủi ro không ít. Danh đã phải thốt lên: “Giờ mới thấy là mạo hiểm, em có cảm giác như mình trải qua một canh bạc”.