pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thức tỉnh trong quản lý chi tiêu sau khi vay nợ trả tiền giúp bố mẹ
Tiêu dùng lãng phí luôn đến từ những chi tiêu nhỏ nhặt thường ngày mà chúng ta không để ý. Đó là khi bạn quyết định mua một chiếc áo xinh xắn ở thời điểm bạn nhìn thấy, dù có lẽ bạn còn chưa suy nghĩ đến việc mặc nó. Hay là lúc bạn đi siêu thị, mua đồ ăn cho bữa tối nay nhưng tìm không thấy món mình định nấu, nên bạn trở về nhà cùng vài món đồ ăn vặt.
Chính vì những thói quen chi tiêu "nằm ngoài kiểm soát" thế này, sẽ khiến bạn cháy túi lúc nào chẳng hay. Tệ hơn nữa, việc chi tiêu lãng phí và không có kế hoạch còn có thể lôi bạn vào nợ nần và ngăn cản bạn tiết kiệm. Cuộc sống có lẽ vẫn ổn nếu cứ sống như thế. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên bạn gặp rắc rối cần đến tiền để giải quyết, ốm đau bệnh tật đến chẳng báo trước, hay sếp thông báo bạn sẽ bị cắt giảm nhân sự vào tháng tới - mà trong túi chẳng có tiền? Ít nhất là khoản tiền dự trữ trong tình huống khẩn cấp.
Cũng từng rơi vào tình huống khẩn cấp mà trong ví chẳng còn khoản dự trữ nào, Linh Dao (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Năm 2016 là khoảng thời gian khó khăn nhất của mình, khi công việc gặp rắc rối, gia đình lại cần mình hỗ trợ về mặt tài chính, mà trong tài khoản tiết kiệm của mình chỉ còn vài triệu. Để có tiền gửi cho ba mẹ, mình phải vay thêm ngân hàng, và nhờ bạn bè xung quanh giúp đỡ. Khi đó, mình tự thắc mắc rằng mức lương hàng tháng mấy chục triệu, mình tiêu xài gì mà không còn dư đồng nào. Quả thực lúc đó, việc gánh trên vai vài khoản nợ đã khiến mình nghiêm túc suy nghĩ về chuyện chi tiêu".
Kiểm soát bản thân trong việc chi tiêu là điều quá khó
Mình chưa bao giờ giỏi trong việc kiểm soát bản thân. Việc chi tiêu cũng vậy, dường như chẳng bao giờ mình có giới hạn nào để ngừng lại việc tiêu xài phung phí trước khi nó đi quá xa. Nhiều khi, mình đơn thuần mua một món đồ vì nhìn thấy nó đẹp, thậm chí chẳng bận tâm về chuyện có sử dụng được nó hay không. Có những lúc, việc mua sắm những món đồ phục vụ sở thích cũng chẳng giúp mình giữ được niềm vui quá lâu, nó chỉ như cơn mưa rào bất chợt thoáng qua, đến rồi đi trong phút chốc. Mình nhận ra, đó chỉ là "nỗi ám ảnh" bắt buộc phải sở hữu món đồ vật nào đó.
Với những người biết từ bỏ thì rất dễ, nhưng với mình thì không. Mình như bị cuốn vào vòng quay chi tiêu vô độ, để rồi tiền lương hàng tháng chỉ đủ chi tiêu mà chẳng có đồng nào để tiết kiệm. Một trong những điều ảnh hưởng đến cách chi tiêu của mình, là vì suy nghĩ "mình chẳng bao giờ nghèo cả", lúc nào cũng mang ảo tưởng "nhà mình giàu nên lúc nào cũng đủ đầy, thiếu tiền thì bố mẹ cấp nên cứ tiêu thôi"... Những suy nghĩ lệch lạc đó khiến mình cứ dửng dưng với tiền, không có khái niệm cân đo đong đếm tiền bạc gì cả. Đôi lúc bạn bè xung quanh mình còn hỏi "Mày có biết phân biệt tiền với lá cây không?".
Cho đến thời điểm gia đình cần sự giúp đỡ từ mình. Khi này, mình mới ngỡ ra, dù nhà có khá giả đến mấy cũng sẽ có lúc cần tiền. Tiền không thể như lá cây, tự nhiên mọc ra rồi cứ thế để tiêu. Chính năm 2016 đó, mình đã thực sự thức tỉnh về tiền. Từ một đứa chi tiêu cho bản thân chẳng tiếc gì, lại phải đắn đo suy nghĩ 3-4 tháng trước quyết định mua 1 chiếc laptop mới, hay chiếc tai nghe phục vụ cho công việc. Không thèm nhìn ngó đến hàng hiệu nữa, mua đồ ưu tiên sự tối giản. Năm đó cũng là năm đầu tiên, mình từ chối tổ chức tiệc sinh nhật cho bản thân, vì thấy quá phung phí khi đem cả chục triệu tổ chức buổi tiệc còn chẳng ý nghĩa bằng bữa cơm quây quần bên gia đình.
Thay đổi thói quen chi tiêu từ những điều nhỏ nhặt
Từ cuộc sống vô lo vô nghĩ, đến một cô gái gánh trên vai vài món nợ, khiến mình lần đầu tiên phải đặt bút ghi chép và tính toán lại tất cả số tiền mình đang có. Đây cũng là thói quen mình duy trì suốt những năm sau này. Vì khoản nợ cần phải trả hàng tháng cộng thêm lãi, mình phải chia số tiền kiếm được làm sao để đủ tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền gửi cho ba mẹ, tiền trả nợ và tiết kiệm nữa. Năm 2017 cũng là thời điểm mình bắt đầu cày với 2 công việc trên tay. Tuy từng chi tiêu vô tội vạ, nhưng mình là đứa rất hăng kiếm tiền.
Nhận thức được vấn đề nghiêm trọng nhất của mình là chi tiêu không kiểm soát, mình lên kế hoạch để thay đổi bản thân từ những điều nhỏ nhặt trước.
Suy nghĩ trước mọi quyết định mua hàng
Đầu tiên, mình bắt bản thân phải suy nghĩ trước mọi quyết định mua hàng, tìm ra điểm không cần thiết của món đồ đó để khiến bản thân không xuống tiền nữa. Ví dụ, trước đây, mình có thể bỏ 2 triệu để mua 1 chiếc áo giống với thần tượng, dù có khi đó chẳng phải phong cách của mình. Nhưng giờ đây, mặc dù vẫn rất thích sưu tầm những món đồ như thế, mình đưa ra một lý do khiến bản thân mình có thể từ bỏ sở thích lãng phí đó.
Từ bỏ những khoản chi không cần thiết
Thứ hai, ghi chép lại những món đồ không cần thiết đang có mặt trong nhà. Dù từ những món nhỏ nhất như chiếc kẹp tóc, đến quần áo, phụ kiện, đồ dùng cá nhân... Mình dành thời gian để khiến bản thân nhận thức được "sự không cần thiết" của những món đồ "tưởng chừng như cần thiết". Chỉ khi nhận thức được giá trị của từng món đồ, mình mới cắt nó được ra khỏi cuộc sống.
Sau khi lên được một danh sách các thứ không cần thiết, mình điểm lại thói quen chi tiêu bằng cách viết ra tất cả những đầu mục tốn kém nhất mà mình từng tiêu, để ước tính được phần trăm các khoản đó so với thu nhập thực tế của mình.
Học cách tạo lập ngân sách
Thứ ba, mình học cách tạo ngân sách. Mình bắt đầu lên ngân sách cố định cho từng khoản chi tiêu chứ không "thả cửa" như trước nữa. Mình cố gắng đưa bản thân vào các giới hạn, và cố gắng không vượt qua hạn mức đặt ra trước đó. Điều này thực sự rất khó khăn, vì trước đó, não bộ mình đã tập quen với việc chi tiêu quá tay.
Tuy vậy, đây là bước không thể thiếu của mình kể từ năm 2017. Để thực hiện mọi thứ theo giới hạn, mình khuyến khích bản thân bằng cách: Nếu tháng nào không tiêu quá giới hạn, mình sẽ tự thưởng bản thân món đồ yêu thích chẳng dám mua. Nếu tiêu quá giới hạn, sẽ khấu trừ khoản đó vào tháng sau. Cứ liên tục thực hiện trong khoảng nửa năm, mình bắt đầu quen dần hơn với những giới hạn. Và cảm giác thỏa mãn đó kích thích mình càng cố gắng hơn.
Chỉ mang tiền mặt vừa đủ tiêu
Trước đây, mỗi khi ra đường mình thường chuẩn bị tiền mặt khá nhiều, vì sợ gặp vấn đề gì đó ngoài đường cần tiền giải quyết. Nhưng chính thói quen này khiến mình tiêu tiền không kiểm soát. Vì trong ví lúc nào cũng sẵn tiền, nên việc rút tiền và chi trả rất dễ dàng.
Nhận ra điều này, mình học cách tính toán số tiền mặt cần mang theo mỗi khi ra đường. Ví dụ, nếu hôm đó đi siêu thị, mình sẽ lập danh sách những món đồ cần mua, ước tính mức giá và chỉ đem đúng số tiền đó. Nếu thiếu tiền khi thanh toán, mình sẽ bỏ lại 1-2 món đồ chưa cần gấp vậy. Đây cũng là điều giúp mình bớt đi tính mua đồ không có trong dự định.
Phân bổ cụ thể nguồn thu
Mình đã làm 2 công việc một lúc kể từ khi có nợ. Vì mình muốn trả nợ càng sớm càng tốt, thế nên việc làm thêm là điều đầu tiên mình nghĩ đến chứ không phải tiết kiệm. Tuy vậy, khi nguồn thu tăng lên, mình bắt buộc phải phân bổ nó ra một cách cụ thể. Thời điểm đó, mình có những đầu mục: Tiền sinh hoạt - Tiền trả nợ - Tiền tiết kiệm - Tiền dự phòng rủi ro. Việc tiết kiệm là tốt, nhưng với mình, thay vì tiết kiệm quá mức, mình sẽ tìm mọi cách để tăng nguồn thu lên.
Có những mục tiêu tiết kiệm thực tế
Việc tiết kiệm không đơn giản như mình từng nghĩ: Bỏ tiền vào ngân hàng là xong. Nhưng điều này vô tình khiến số tiền mình tích lũy ngày càng ít đi, vì lạm phát. Và hơn hết, mục đích tiết kiệm sẽ biến khoản tiền đó cụ thể hơn. Ví dụ, mình muốn tặng bản thân 1 chiếc máy tính khoảng 50 triệu. Thì việc đặt mục tiêu tiết kiệm trong bao lâu, tiết kiệm bao nhiêu 1 tháng? Sẽ khiến mình rõ ràng hơn, chứ không chỉ đơn giản là dư đồng nào thì bỏ tiết kiệm đồng đó. Nếu không có mục tiêu tiết kiệm, số tiền bạn để lại hàng tháng sẽ không đảm bảo, tháng nhiều tháng ít sẽ gây ảnh hưởng đến những khoản chi tiêu khác.
Đó là tất cả những gì mình làm giúp cho bản thân từ bỏ được việc chi tiêu quá tay những năm 20 tuổi. Quả thực, khi nhìn lại tất cả số tiền mình tiết kiệm được cho đến bây giờ, là một con số không nhỏ, khiến mình vui vô cùng. Giờ đây, mình rất tự tin mỗi khi ba mẹ hay bạn bè nhờ giúp đỡ về tiền bạc. Cũng chẳng lo lắng nếu ngày mai thất nghiệp mình sẽ sống bằng gì, lúc ốm đau bất chợt lấy tiền đâu chạy chữa. Việc xây dựng được tài chính cá nhân ổn định, giúp mình có cảm giác an toàn hơn trong cuộc sống. Và cảm giác an toàn này khiến mình thỏa mãn hơn rất nhiều so với việc sở hữu được món đồ nào đó.