pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thuốc điều trị bệnh quai bị và những điều cần biết
- 1. Các loại thuốc điều trị bệnh quai bị thường dùng hiện nay
- 1.1. Natriclorid, Acid Borid dùng súc miệng
- 1.2. Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn
- 1.3. Thuốc điều trị bệnh quai bị nhóm Corticoid
- 1.4. Các loại dịch truyền ưu trương
- 1.5. Các loại thuốc bù nước và điện giải
- 2. Có nên dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh quai bị?
- 3. Lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc điều trị bệnh quai bị?
Bệnh quai bị là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên. Khi mắc bệnh, sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân. Vậy đâu là những loại thuốc điều trị bệnh quai bị thường dùng và bệnh nhân cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc?
1. Các loại thuốc điều trị bệnh quai bị thường dùng hiện nay
Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân quai bị. Chính vì vậy, thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh quai bị hiện nay đều là các thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh chứ không giải quyết được căn nguyên gây bệnh.
1.1. Natriclorid, Acid Borid dùng súc miệng
Đau, sưng nề tuyến nước bọt do bệnh quai bị có thể làm hạn chế khả năng vệ sinh răng miệng của bệnh nhân một cách bình thường. Điều này làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm ở bệnh nhân quai bị do các loại vi khuẩn gây hại không được vệ sinh thường xuyên khỏi khoang miệng.
Do đó, bệnh nhân quai bị thường được khuyên súc miệng bằng dung dịch Natriclorid 0,9% (nước muối sinh lý) hoặc dung dịch Acid boric 5% sau khi ăn hoặc khi thức dậy. Súc miệng sạch sẽ bằng các loại dung dịch trên giúp cuốn trôi và loại bỏ các mảnh thức ăn thừa còn lưu lại trong khoang miệng, loại bỏ bớt các vi khuẩn đang sinh sống trong khoang miệng, giữ cho khoang miệng luôn luôn sạch sẽ.
1.2. Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn
Sốt và đau đều là những triệu chứng thường gặp trong bệnh quai bị. Khi không thể kiểm soát đau hoặc sốt bằng các phương pháp giảm đau, hạ sốt như chườm nóng, chườm lạnh, lau mát,... thì các loại thuốc điều trị bệnh quai bị nhóm giảm đau, hạ sốt có thể được sử dụng.
Paracetamol rất thường được dùng làm thuốc điều trị bệnh quai bị với mục đích giảm đau, hạ sốt do ít gây tác dụng phụ với liều thông thường và hiệu quả tương đối tốt. Liều sử dụng để giảm đau, hạ sốt cho bệnh quai bị được khuyến cáo từ 10-15mg/kg/liều, sử dụng không quá 60mg/kg/ngày và mỗi liều sử dụng cần cách nhau từ 4-6h.
Nếu bệnh nhân đã sử dụng Paracetamol làm thuốc điều trị bệnh quai bị với mục đích giảm đau, hạ sốt nhưng không hiệu quả hoặc đã dùng đủ liều trong ngày thì có thể chuyển cho bệnh nhân sử dụng Ibuprofen. Tuy nhiên, cần thận trọng với các tác dụng phụ của thuốc Ibuprofen khi sử dụng, đặc biệt là các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như loét đường tiêu hóa,...
1.3. Thuốc điều trị bệnh quai bị nhóm Corticoid
Do có hiệu quả kháng viêm rất mạnh, do đó các thuốc Corticoid cũng có thể được sử dụng để làm thuốc điều trị bệnh quai bị. Tuy nhiên, do nhiều tác dụng phụ khác nhau nên việc sử dụng Corticoid trong điều trị bệnh thủy đậu cũng chỉ được sử dụng một cách rất hạn chế. Các thuốc thuộc nhóm Corticoid chủ yếu được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị viêm nặng như viêm màng não do quai bị, viêm tinh hoàn do quai bị,... để có thể làm giảm viêm một cách nhanh chóng.
Những loại thuốc thuốc nhóm Corticoid hay được sử dụng để làm thuốc điều trị bệnh quai bị có thể kể đến như Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethasol,...
1.4. Các loại dịch truyền ưu trương
Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh quai bị thể viêm não-viêm màng não, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại dịch truyền ưu trương cho người bệnh. Điều này là do các loại chất hòa tan trong những dịch truyền này có tác dụng kéo nước từ khoảng gian bào vào lòng mạch từ đó giúp chống phù não cho bệnh nhân. Các loại dịch truyền ưu trương có thể được lựa chọn bao gồm dung dịch Glucose 30%, Manitol 20%,...
1.5. Các loại thuốc bù nước và điện giải
Ăn uống kém, sốt,... khi bị mắc bệnh quai bị có thể khiến cho bệnh nhân bị mất nước và điện giải. Do đó, vấn đề bù nước và điện giải cho bệnh nhân quai bị đóng vai trò rất quan trọng. Đối với các bệnh nhân mất nước và điện giải nhẹ thì người ta có thể tiến hành sử dụng các loại thuốc bù nước và điện giải qua đường uống.
Nhưng nếu mức độ mất nước và điện giải của bệnh nhân diễn ra nghiêm trọng, hoặc người bệnh không thể uống được thì có thể cần bù nước và điện giải thông qua đường tĩnh mạch.
Có thể bạn chưa biết, Chất điện giải là gì và các nhóm chất giúp bổ sung chất điện giải.
2. Có nên dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh quai bị?
Một thắc mắc khá thường hay gặp phải trong quá trình điều trị bệnh quai bị chính là có nên sử dụng thuốc kháng sinh để làm thuốc điều trị bệnh quai bị hay không?
Để làm rõ vấn đề này trước tiên ta cần biết rằng, bệnh quai bị là căn bệnh gây nên do nguyên nhân virus, còn thuốc kháng sinh là nhóm thuốc chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm đối với các loại vi khuẩn gây bệnh.
Vì thế, thực tế thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được virus gây nên bệnh quai bị và việc sử dụng thuốc kháng sinh làm thuốc điều trị bệnh quai bị không đem lại tác dụng gì mà lại gây nên các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Chỉ khi bệnh nhân quai bị có các dấu hiệu của một tình trạng bội nhiễm vi khuẩn thì thuốc kháng sinh mới có thể được chỉ định. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần diễn ra thận trọng bởi bác sĩ để tránh gây nên tình trạng kháng thuốc và giảm tối đa các tác dụng không mong muốn.
3. Lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc điều trị bệnh quai bị?
Để quá trình sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh quai bị diễn ra hiệu quả hơn và an toàn hơn, bệnh nhân và người nhà nên lưu ý một số điều sau đây:
- Thuốc điều trị bệnh quai bị hiện nay đều là thuốc điều trị triệu chứng bệnh, không tiêu diệt căn nguyên gây bệnh nhưng bệnh có thể khỏi sau 1-2 tuần khởi phát.
- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh quai bị nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả các loại thuốc nam, thuốc Đông y,..
- Sử dụng thuốc theo đúng nội dung bác sĩ chỉ định bao gồm đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian sử dụng và đúng đường sử dụng thuốc.
- Luôn theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi sử dụng thuốc, nếu có bất kỳ vấn đề bất thường sau khi dùng thuốc hãy thông báo ngay với bác sĩ để phát hiện và xử lý sớm các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
- Phối hợp tích cực với các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh quai bị không dùng thuốc như đảm bảo dinh dưỡng, chườm nóng, chườm lạnh, ăn thức ăn mềm,... để giảm bớt việc phải sử dụng thuốc.
Qua đây có thể thấy rằng, sử dụng thuốc điều trị bệnh quai bị như thế nào cho đúng và hiệu quả là một vấn đề không hề đơn giản, cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc điều trị bệnh quai bị, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp chính xác và đầy đủ nhất.