Các loại nông sản như cà rốt, khoai tây, súp lơ, cải thảo, hành tây, gừng, tỏi... xuất xứ Trung Quốc thường có giá rẻ hơn hàng Việt Nam, thời gian sử dụng rất lâu, nên được nhiều nhà hàng, quán ăn “ưa chuộng”. Khi những loại rau củ quả này đã chế biến thành món ăn thì các thực khách dẫu có sành ăn đến mấy cũng không tài nào phân biệt được đó là hàng “Ta” hay hàng “Tàu”.
Tuy nhiên, vì biết hàng Trung Quốc không chỉ thường được tẩm ướp các loại hóa chất độc hại, mà còn có thể được trồng và kích thích tăng trưởng bằng những công nghệ độc hại, nên những người nội trợ luôn có tâm lý “tránh xa” những loại thực phẩm này để đảm bảo an toàn cho gia đình. Nhưng, làm cách nào để phân biệt hàng “Ta” và hàng “Tàu” thì không phải ai cũng biết.
Theo một số người, điểm khác biệt chung và nổi bật nhất của hàng Trung Quốc, đó là màu sắc đẹp, dáng dấp ‘phương phi, mập mạp’ và đều đặn trông bắt mắt… Ảnh minh họa: internet
Nhiều tiểu thương buôn bán mặt hàng này cho biết, nếu chỉ xét về mặt hình thức thì cũng đã có những căn cứ đáng tin cậy để phân biệt hai loại sản phẩm. Ngay cả khi người bán cố tình “hóa trang” để “đánh lận con đen” thì chỉ cần tinh ý một chút là vẫn có thể nhận thấy những khác biệt. Theo một số người, điểm khác biệt chung và nổi bật nhất của hàng Trung Quốc, đó là màu sắc đẹp, dáng dấp “phương phi, mập mạp” và đều đặn trông bắt mắt, lúc nào nhìn cũng tươi rói... Trong khi hàng Việt Nam thì có màu sắc không đẹp nhưng “thật” hơn, dáng dấp của rau củ quả không đều nhau, chỉ cần để một thời gian ngắn là đã héo hoặc bị ủng, thối...
Còn nếu so sánh từng loại cụ thể thì còn có thêm nhiều đặc điểm khác để phân biệt. Ví dụ, hành tây có mặt trong các nhà hàng, quán ăn hầu hết là hàng Trung Quốc, củ to, lớp vỏ “lụa” bên ngoài có màu nhạt và trông rất sạch sẽ vì thường có vỏ lưới xốp bảo vệ khi vận chuyển. Trong khi hành tây Việt Nam (trồng ở Đà Lạt) nhỏ hơn, dáng dấp trông có vẻ “khắc khổ” vì không thật hợp khí hậu, vỏ “lụa” nâu sẫm và có thể bị trầy sướt do không bảo quản tốt khi vận chuyển. Tuy nhiên, hành tây Đà Lạt có vị đậm đà, mùi thơm nồng hơn hẳn so với hành tây Trung Quốc.
Khoai tây Đà Lạt nhỏ, ruột vàng, mắt khoai nhỏ, vỏ mỏng, khác hẳn khoai tây Trung Quốc củ to, vỏ dày, màu vỏ tươi tắn, nhưng khi nấu thường bị sượng. Tương tự, cà rốt Đà Lạt da sần, màu cam nhạt, cuống lá còn nguyên, vị ngọt thanh tự nhiên; cà rốt Trung Quốc da bóng láng, củ to, tròn đều, không cuống, màu cam đậm, vị nhạt Súp lơ của Đà Lạt còn lá và thân đầy đủ, vị ngọt đậm đà, còn súp lơ Trung Quốc bị cắt mất thân và bọc trong bao xốp, để cả tháng vẫn trắng tươi, không bị hỏng.
Việc phân biệt tỏi Bắc và tỏi Trung Quốc càng đơn giản hơn: Tỏi Bắc có vẻ ngoài xấu xí, các tép nhỏ, khó bóc vỏ. Còn tỏi Trung Quốc củ tròn, các tép rất to, mỡ màng, dễ bóc vỏ. Mùi của tỏi Trung Quốc khá “nhạt”, không thơm nồng như tỏi Bắc của ta. Đối với gừng cũng vậy, gừng Việt Nam có nhiều rễ và nốt sần sùi, vỏ xỉm màu, nếu bẻ gãy củ thì thấy rõ đường gân bên trong; gừng Trung Quốc có vỏ láng mịn màu vàng nhạt, thân hình căng mọng, trông rất sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu bẻ gãy củ gừng thì bên trong không có đường gân nhưng có thể phát hiện ra những mảng màu đậm nhạt khác nhau do tác dụng không đều của thuốc bảo quản, hoặc do để quá lâu nên một phần củ gừng đã bị “thối ngầm” - mùi vị bị biến đổi ở phía lõi nhưng nhìn bề ngoài thì vẫn tươi nguyên.
Hầu hết các loại nông sản Trung Quốc đều có giá rẻ hơn hàng Việt Nam từ 20-40%. Riêng tỏi Việt Nam đắt gấp đôi tỏi Trung Quốc. Hiện nay, khá nhiều tiểu thương ở TP.HCM có thói quen nói rõ với khách mua hàng, loại nào của “Ta”, loại nào của “Tàu” và bán đúng giá từng loại. Nhờ đó, tình trạng khách “mua lầm” cũng được hạn chế đáng kể.