pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thường xuyên so sánh "con mình" với "con nhà người ta", người mẹ khóc nấc khi nhận được mẩu giấy vỏn vẹn 7 chữ
Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời. Trong các cách dạy con thì việc so sánh trẻ với "con nhà người ta" là hiện tượng phổ biến mà hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải. Tuy nhiên, cách dạy con này lại để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Đơn cử như trường hợp của chị Tiểu Ái (sống tại Hợp Phì, Trung Quốc). Con trai chị năm nay lên 9 tuổi. Ở nhà chị là người dạy bảo con. Chị thường so sánh con với Tiểu Mẫn - cô bé hàng xóm. Nào là "Mày xem cái Mẫn nó học giỏi, đi họp phụ huynh, bố mẹ nó mát mặt, còn mẹ thì xấu hổ vì mày", "Giá mà mày ngoan bằng nửa cái Mẫn thì tao được nhờ", "Biết thế ngày xưa chả sinh mày, con người ta sinh ra nó ngoan ngoãn, còn mày thì khó bảo",...
Cho đến một ngày kia, khi chị mắng con, đứa trẻ chẳng phản ứng gì, chỉ đứng lên lẳng lặng đi về phòng. Chị Tiểu Ái mải nấu cơm không để ý. Đến lúc gọi con xuống ăn cơm thì tá hỏa khi phát hiện cậu bé đã mất tích. Con bỏ nhà đi chỉ để lại cho mẹ 1 mẩu giấy có ghi: "Mẹ nhận bạn Mẫn làm con ấy". Lúc bấy giờ chị Ái mới khóc đỏ mắt, sợ con trai xảy ra chuyện. Cả nhà rồi họ hàng, hàng xóm xúm vào tìm kiếm cậu bé. Cuối cùng, trời tối mịt mới phát hiện cậu đang ngồi co ro tại 1 công viên nọ và không muốn trở về nhà. Chị Ái vội vàng lao đến ôm con, nói lời xin lỗi...
Chị Tiểu Ái là chân dung rất chân thực của nhiều phụ huynh ngoài đời. Họ thường hạ thấp con mình bằng cách khen ngợi con của người khác, điều này khiến con cái tổn thương, sinh lòng uất hận. "Mong con thành rồng, con gái thành phượng" là mong ước của rất nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên việc so sánh con cái với con nhà người ta có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Điều gì xảy ra với trẻ nếu liên tục bị so sánh với "con nhà người ta"?
1. Trẻ mất tự tin
Khi cha mẹ nói con không bằng 1 ai đó. Điều này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy tổn thương và thua kém. Nếu đứa trẻ hiểu chuyện thì nó sẽ cố gắng, còn không chúng sẽ ngày càng cảm thấy mất tự tin, tự cho bản thân chúng là yếu kém. Không những thế trẻ còn có thể mang trong lòng sự so sánh và đố kỵ với "con người ta". Điều này vô tình khiến những đứa trẻ khi bước ra ngoài xã hội luôn tìm những người "giỏi hơn, tốt hơn" để ganh đua, để tìm cách vượt qua. Và tệ hơn nữa thì chúng có thể dùng thủ đoạn chỉ để được khen là giỏi hơn đứa trẻ khác.
2. Tiềm năng của con không được phát triển
Khi cha mẹ chỉ nhìn thấy những điểm yếu của con, chăm chăm soi mói, chỉ trích thì đứa trẻ sẽ không tự tin bộc lộ tài năng khác của chúng. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình thua kém người khác, là kẻ tầm thường và luôn tránh né ánh mắt của mọi người.
3. Con bị mất phương hướng phát triển
Khi chỉ trích con, cha mẹ hay đưa khái niệm "con nhà người ta rất mơ hồ" và khiến những đứa trẻ kiểu mất phương hướng. Chúng sẽ không biết phải làm gì để giỏi hơn hay tốt hơn và rơi vào bế tắc. Thay vì dạy con cụ thể phải làm cái này, cái kia thì chúng ta chỉ có thể nói rằng con sống vô kỷ luật, trách con lười biếng… và hoàn toàn không truyền cho chúng một chút năng lượng tích cực nào để thay đổi bản thân.
4. Trẻ có cảm giác không an toàn
Khi phụ huynh thường xuyên so sánh, trẻ sẽ không chỉ nghi ngờ năng lực bản thân mà còn nghi ngờ mối quan hệ cha mẹ - con cái, có cảm giác không được cha mẹ chấp nhận dẫn đến trẻ bị thu mình và tự kỷ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ trong tương lai.
Khi những đứa trẻ còn nhỏ, chúng bị kéo vào "cuộc đua" của cha mẹ với nhau, khi lớn lên con cũng dễ bị kéo vào cuộc đua thành tích. Ví dụ như học nhồi nhét để bằng bạn bằng bè,... Những đứa trẻ có hoàn cảnh kém hơn thì ngày càng khép mình và không dám thể hiện bản thân. Cha mẹ đã tạo ra những áp lực vô hình bởi khái niệm hoàn hảo "con nhà người ta" - một sự so sánh độc hại và áp lực tiêu cực lên con cái.