pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tia UV ở mức gây hại cao, nhiều người dùng kem chống nắng không đúng cách bị phản tác dụng
Chỉ số tia UV ở Hà Nội, TP HCM ở mức 10 có nguy cơ gây hại cao
Những ngày vừa qua, cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhiệt độ lúc cao điểm được dự báo trên 40 độ. Với thời tiết như vậy, việc ảnh hưởng đến sức khỏe là không tránh khỏi.
Theo dự báo của Weather (Anh) trong 2 ngày tới chỉ số tia cực tím (UV) tại Hà Nội và TP HCM dao động ở mức 10. Với mức tia UV như vậy, cùng với nhiệt độ ngoài trời tăng cao sẽ là nguy cơ gây hại đối với cơ thể con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10h-16h. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tia UV còn là tác nhân gây ung thư da.
ThS.BS Vũ Nguyệt Minh - Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong ánh nắng mặt trời có tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương đến ADN của tế bào da. Vì thế, khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng có hai tia này da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất sự đàn hồi và làm nhanh quá trình lão hóa, nguy hiểm nhất là gây ung thư da.
Bác sĩ Nguyệt Minh cảnh báo tia UV nhẹ thì bỏng da, sạm da, nặng có thể gây ung thư da.
Những sai lầm cần tránh khi dùng kem chống nắng bảo vệ da
Để phòng tránh những tác hại do tia UV gây ra, ThS.BS Trịnh Minh Trang - Khoa Laser và Săn sóc da (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, biện pháp đầu tiên cần được nhắc tới là không nên ra ngoài vào giờ nắng nóng cao điểm (từ 10h đến 16h).
Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài vì công việc thì cần phải dùng các biện pháp bảo vệ đó là dùng kem chống nắng, dùng các đồ bảo hộ như mũ rộng vành, áo dài tay, găng tay, tất chân, khẩu trang, kính măt…Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp chống nắng cũng cần phải đúng cách mới có tác dụng bảo vệ.
Bác sĩ Trang cho rằng, hiện rất nhiều người dùng kem chống nắng và chống tia UV. Tuy nhiên, không ít người đang sử dụng sai như bôi kem chống nắng quá ít, chọn chỉ số chống nắng chưa phù hợp, phối hợp kem chống nắng với các sản phẩm khác không đúng quy trình…
“Về nguyên tắc, kem chống nắng phải dùng "đủ thời gian ban ngày", tức từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Lý do, kể cả ban ngày chưa có nắng vẫn có tia UV A (có 2 loại tia UV là tia UV A và tia UV B), làn da vẫn bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, mỗi ngày bôi kem chống nắng ít nhất hai lần, nếu được thì 3-4 lần. Số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, tuy nhiên đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng. Nếu mặt giữ được lớp kem chống nắng lâu thì có thể giảm tần suất bôi. Trường hợp ra mồ hôi nhiều, sau mỗi hai giờ phải thoa kem lại. Làm sạch mặt (tẩy trang, rửa) trước khi bôi lại kem.
Đối với chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Ví dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 , làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn”, bác sĩ Trang khuyến cáo.
Bác sĩ Trang cho rằng dùng kem chống nắng phải đúng cách mới mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, bác sĩ Trang cũng cho rằng việc bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền... không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng.
“Hai tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da; và cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng”, bác sĩ Trang phân tích.
Theo bác sĩ Trang, mọi người nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bôi dưỡng ẩm, phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.
Nên lựa chọn loại kem phù hợp vùng da, loại da (da nhờn, da khô, da nhạy cảm...). Bôi trước khi ra nắng ít nhất 20 phút. Mọi vùng da đều cần được bảo vệ, nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Da mặt thường được ưu tiên chăm sóc nhất. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng cho cả vùng tay chân, thân mình.
Trong trường hợp đi nắng bị cháy, bóc trong lớp da ngoài…bác sĩ Trang khuyến cáo người dân nên đến các bệnh viện chuyên khoa khám để được tư vấn, điều trị kịp thời tránh để lại hậu quả không đáng có.