Tích hợp giáo dục giới tính vào các môn xã hội

24/03/2017 - 00:00
Trong cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD&ĐT vừa diễn ra chiều nay (24/3), GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là, nội dung giáo dục giới tính sẽ được tích hợp trong các môn xã hội.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là hình thành năng lực, phẩm chất cho người học - Ảnh internet. 
Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình - sách giáo khoa mới cho biết, vấn đề quyền trẻ em cũng được đề cập đến trong chương trình mới, tạo dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ.

Sự thiếu hụt giáo dục giới tính ở các cấp học mầm non, tiểu học trong chương trình giáo dục hiện nay đã dẫn đến việc trẻ không được trang bị kiến thức tự bảo vệ mình. Do đó, nội dung giáo dục giới tính sẽ được thể hiện ở các môn sinh học, hoặc tích hợp ở các môn xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là cung cấp kiến thức, vẫn cần đến sự phối hợp của gia đình, cơ quan bảo vệ pháp luật bởi nhiều vụ xâm hại xảy ra thời gian qua là do người thân thực hiện.

Mục tiêu của chương trình mới là hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Điểm mới nhất ở cấp THPT, cụ thể là lớp 10 sẽ giúp học sinh có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc chọn nghề ở lớp 11, 12. Lớp 11, 12 sẽ tập trung vào định hướng nghề nghiệp cho các em.

Ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mỗi học sinh được chọn 5 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

Phương pháp “sơ đồ ngược” sẽ được áp dụng khi thực hiện chương trình mới. Theo đó, sẽ xác định mục tiêu nhân lực của đất nước, chuẩn đầu ra rồi mới xác định nội dung, phương pháp. Chương trình giáo dục phổ thông là một chính sách, nên phải có đánh giá tác động. Khi chương trình hoàn thành, sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở các lớp đầu cấp từ năm học 2018-2019. “Sẽ vẫn kế thừa những mặt tốt của chương trình hiện hành”, GS.Thuyết khẳng định.

Bộ sách giáo khoa mà Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn sẽ triển khai kịp. Tuy nhiên, nếu các tổ chức, cá nhân cũng tham gia biên soạn sách thì cần có thời gian bởi quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh để học sinh, giáo viên lựa chọn.

Chương trình mới chủ yếu học 2 buổi/ngày đảm bảo học sinh không bị quá tải. Theo thống kê, hiện có 47% các trường tiểu học học 10 buổi/tuần, 30% học 6 buổi/tuần, hơn 20% học chưa được 6 buổi/tuần. Đây là điều phải khắc phục, nếu không sẽ hết sức khó khăn khi triển khai chương trình mới.

Ngày 24/1, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành. Từ ngày 20 đến 24/2, Hội đồng thẩm định đã họp và biểu quyết thông qua dự thảo với tỷ lệ ủng hộ là 42%. Bản dự thảo cuối cùng đã được chuyển tới Vụ pháp chế, Bộ GD&ĐT vào ngày 14/3. Phấn đấu để chương trình được phê duyệt vào tháng 9/2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm