pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiệm tạp hóa chuyển mình trước "cơn lốc" mua sắm online - Bài 2: Tiêu dùng thay đổi trong thời đại số
Nhiều nhà sản xuất nỗ lực tiếp cận khách hàng trên các nền tảng bán hàng online
Từ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử…
Việt Nam có 3 kênh bán hàng chính, gồm kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa), kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…) và kênh bán hàng online. Dù mới xuất hiện nhưng kênh bán hàng online đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Dự báo, mua sắm trực tuyến tiếp tục là xu hướng của thời gian tới.
Theo thống kê của PrimeData.ai, trong quý 1/2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2023, với hơn 510.000 nhà bán online. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online dần trở thành thói quen của người tiêu dùng.
"Thời điểm trước dịch Covid-19, tôi thường chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Khoảng 3 năm trở lại đây, mua sắm online bùng nổ, chỉ cần lướt mạng, người tiêu dùng có thể mua đủ loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình, từ những món đồ chỉ vài ngàn đồng đến hàng xa xỉ", chị Hoàng Ngọc Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Sự phát triển của thương mại điện tử thời gian qua đã tạo ra những xu hướng kinh doanh, tiêu dùng mới.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để thích ứng với sự chuyển dịch của nền kinh tế số, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang hướng đến phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi thành các doanh nghiệp số, tập trung phát triển các cửa hàng số để giảm bớt số lượng các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Với người tiêu dùng, hành vi mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Kết quả nghiên cứu do Lazada kết hợp cùng Milieu Insight thực hiện cho thấy, tại Việt Nam, có đến 81% người được hỏi cho biết mua hàng qua mạng đã trở thành một thói quen.
…đến "bài toán" giữ thị phần
Chị Bùi Thị Xuyến (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, thời gian gần đây, chị thường mua sắm trên các trang online, đặc biệt là theo dõi các livestream bán hàng. Hình ảnh sản phẩm được giới thiệu qua những phiên livestream này khá bắt mắt, đa dạng trong khi các cửa hàng tạp hóa tại quê chị hiện không bày bán.
Với chị Lý Thị Hòa (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), lý do chị chọn mua sắm online bởi tính chất công việc phải làm tăng ca, đi sớm về muộn, nhiều lúc chị đi làm về thì các cửa hàng tạp hóa, siêu thị đã đóng cửa.
Mua hàng online giúp chị tiết kiệm được thời gian và nếu "săn" được khuyến mại thì mức giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng. Tuy nhiên, mua hàng online cũng có hạn chế là phải chờ giao hàng và mất phí vận chuyển.
Dù còn nhiều vấn đề song hình thức mua sắm trực tuyến vẫn là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hiện nay. Theo báo cáo NielsenIQ tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2/2024, có 73% người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến để có ưu đãi tốt hơn; 53% người chọn hình thức mua sắm này để kiểm soát tổng chi phí chi tiêu; 40% để mua hàng hoá giảm giá… Công ty Kantar Việt Nam cũng đưa ra một thông tin đáng chú ý: Người tiêu dùng ở nông thôn đang tăng cường mua sắm qua kênh trực tuyến (từ 3% năm 2017 lên 31% năm 2023).
Những số liệu trên cho thấy, thói quen và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam cả ở nông thôn và thành thị đã có sự thay đổi. Điều này đặt ra thách thức không chỉ với doanh nghiệp mà còn với nhà phân phối bán lẻ, trong đó có hệ thống cửa hàng tạp hóa, để có thể giữ vững thị phần của mình.
Bài sau: "Chuyển mình" để cạnh tranh