Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - Bài 2: Quy định mới về livestream mà người kinh doanh online cần biết

PV
06/12/2024 - 14:50
Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - Bài 2: Quy định mới về livestream mà người kinh doanh online cần biết

Ảnh minh họa

Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cụ thể hóa trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội. Một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định 147 mà người livestream bán hàng cần nắm rõ là phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Bị khóa tài khoản vì những lỗi không đâu

Chị Nguyễn Thu Hường (26 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, chị thường xuyên livestream trên Facebook để bán quần áo. Không ít lần chị Hường đã bị khóa tài khoản Facebook của mình vì những lỗi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. 

Mỗi lần bị khóa tài khoản thường kéo dài từ 1 tuần đến 30 ngày. "Cách đây mấy tháng, khi tôi đang livetream bán hàng thì chồng tôi mở nhạc, vô tình lọt vào livestream của tôi. Mấy phút sau, livestream của tôi tự động bị ngắt và văng ra ngoài. 

Tôi cố gắng vào lại nhưng không được vì Facebook thông báo tài khoản của tôi bị vi phạm, tạm khóa 7 ngày. Mấy ngày sau tôi tìm hiểu thì mới biết bài nhạc chồng tôi mở là nhạc có bản quyền, khi lọt vào livestream sẽ bị Facebook quét bản quyền âm nhạc", chị Hường kể.

Livestream bán hàng là công việc mang lại thu nhập chính của chị Hường nên mỗi lần tài khoản bị khóa, chị phải sử dụng 1 tài khoản khác của mình để livestream. 

Tuy nhiên, tài khoản phụ này không hiệu quả như tài khoản bị khóa vì chỉ có vài trăm người bạn. Trong khi tài khoản bị khóa của chị có 5.000 người bạn và hơn 10.000 người theo dõi.

Chị Nguyễn Thanh Hằng (29 tuổi, TP Hải Phòng) cho biết, do mới sinh con nên chị chưa đi làm. Hằng ngày ở nhà, tranh thủ những lúc con ngủ, chị lên mạng để mua sắm và "săn" hàng khuyến mại. 

"Gần đây, tôi bị khóa tài khoản Facebook vĩnh viễn vì "spam" (một thuật ngữ để chỉ nội dung gây phiền toái cho người nhận - PV) bình luận trên Facebook. Lý do là trong một livestream của một chủ cửa hàng quần áo trẻ em, họ đưa ra một bộ quần áo và nói nếu ai đoán đúng giá của bộ quần áo đó thì sẽ được tặng. 

Mỗi người được dự đoán 10 lần và người được tặng sẽ là người dự đoán đúng và nhanh nhất. Trong thời gian rất ngắn tôi đã bình luận liên tiếp 10 mức giá với mong muốn được nhận quà. 

Không ngờ tài khoản của tôi bị báo cáo là "spam" và bị vô hiệu hóa vĩnh viễn. Trước đó, tôi cũng đã bị Facebook cảnh báo 2-3 lần vì hành động này", chị Hằng cho hay.


Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - 
Bài 2: Quy định mới về livestream mà người kinh doanh online cần biết- Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Mạnh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cá nhân hóa trách nhiệm người dùng mạng xã hội

Luật sư Nguyễn Mạnh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhiều người dùng hình thức phát trực tuyến (livestream) để giới thiệu và bán hàng qua mạng một cách khá hiệu quả, tính tương tác cao. 

Bên cạnh đó, một số đối tượng lạm dụng các chiêu trò như ăn mặc phản cảm, phát ngôn gây sốc để thu hút được nhiều người vào xem với mục đích bán được càng nhiều hàng càng tốt.

 Ngoài ra, việc livestream của một số đối tượng cũng là hành vi vi phạm pháp luật khi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, cung cấp các thông tin chưa kiểm chứng và sai sự thật, gây hoang mang dư luận. 

Những quy định mới tại Nghị định 147 hoàn toàn không gây cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của người dân mà còn góp phần loại bỏ tin giả, tăng cường quản lý với những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. 

Người dân có nhu cầu kinh doanh hay livestream kiếm tiền thì có thể liên hệ với cơ quan nhà nước, thủ tục không phức tạp nên sẽ không phải là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh hợp pháp.

"Việc quản lý chặt các hoạt động livestream mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Người tiêu dùng có thể tránh khỏi việc mua phải những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tránh nguy cơ bị lừa đảo… đặc biệt trong môi trường kinh doanh online, những vấn đề liên quan đến chất lượng luôn nhức nhối. 

Đối với người bán hàng, việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường và những người bán hàng online uy tín sẽ có cơ hội củng cố vị trí của họ", luật sư Nguyễn Mạnh Hà nhận định.

Những trường hợp sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, để tránh bị vi phạm, người dùng cần tìm hiểu các quy định đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành để nắm rõ pháp luật và xây dựng chiến lược riêng cho mình; đồng thời, thực hiện thủ tục thông báo với Bộ TT&TT việc cung cấp dịch vụ livestream. 

Khi livestream, phải xem xét kĩ lưỡng nội dung và quản lý cả phần bình luận của người xem. Trong trường hợp bị báo cáo vi phạm, chủ tài khoản cần phối hợp với cơ quan quản lý để giải quyết vấn đề. 

Ảnh minh họa


Nếu nhận thức rõ mình không vi phạm, cần thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan về đoạn phát sóng, bình luận của người xem; thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ về sự việc, gửi khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, nếu cần thiết thì tìm sự hỗ trợ từ luật sư hoặc chuyên gia pháp luật.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 35 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, các tài khoản của người dùng cá nhân, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu mắc phải các vi phạm sau:

Thực hiện khóa tạm thời nếu những tài khoản cá nhân, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ TT&TT, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ).

Các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng và kênh nội dung này sẽ bị khóa chậm nhất là 24 giờ sau khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua các phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Sở TT&TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Thời gian khóa tạm thời từ các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung sẽ từ 7 đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.

Khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Sở TT&TT địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: 

Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...

Chủ tài khoản, kênh, trang, nhóm trên mạng xã hội có trách nhiệm gỡ bỏ ngay các nội dung vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi người khác hoặc gây hại cho trẻ em khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc người dùng. 

Thời hạn xử lý tối đa là 24 giờ cho yêu cầu của cơ quan chức năng và 48 giờ cho khiếu nại của người dùng. Không lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.

Tại điểm e, khoản 3, Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP có nêu: Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Bài sau: Phụ nữ cần làm gì để bảo vệ mình trên mạng xã hội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm