Tiến sĩ bày cách 'bắt bệnh' và điều trị trẻ tự kỷ

22/12/2016 - 10:00
Tự kỷ không là bệnh mới nhưng nhiều gia đình vẫn mơ hồ nếu không may có con mắc chứng bệnh này. Vì thế, một số phụ huynh đã điều trị cho trẻ sai cách.
TS.BS Nguyễn Thị Hương Giang, khoa Phục hồi Chức năng - BV Nhi TƯ, đã đưa ra những kiến thức cơ bản nhất về chứng bệnh này. Thông qua đó, các gia đình có thể sớm nhận biết con trẻ mắc bệnh và điều trị như thế nào?

Theo đó, tự kỷ ảnh hưởng đến sự phát triển nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội của trẻ. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua: Hỏi tiền sử mang thai của mẹ, tiền sử bênh tật của trẻ sau sinh, quá trình phát triển của trẻ; khám lâm sàng gồm: Khám toàn thân và hệ thần kinh, đánh giá trực tiếp trẻ bằng các test; chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng: Cộng hưởng từ sọ não, chụp cắt lớp vi tính sọ não; điện não đồ: Nhiễm sắc thể, đo thính lực…
tu-ky.jpg
Phát hiện sớm và có hướng điều trị đúng giúp trẻ hạn chế ảnh hưởng của chứng bệnh tự kỷ
Khi xác định bệnh, bác sĩ sẽ thông qua các đánh giá ở trẻ gồm:

- Khiếm khuyết sử dụng hành vi không lời.

- Không giao tiếp bằng mắt khi được gọi tên; không chỉ tay vào vật mà trẻ thích; không kéo tay người khác để đưa ra yêu cầu; không biết xòe tay ra xin/khoanh tay và ạ để xin; không biết lắc đầu khi phản đối/gật đầu khi đồng tình; không biểu hiện nét mặt khi đồng ý/không đống ý; không chào hỏi bằng điệu bộ (vẫy tay, giơ tay); không chơi khi có trẻ khác rủ; không chủ động rủ trẻ khác chơi; không chơi cùng một nhóm trẻ.

Ngoài ra, trẻ còn không biết tuân theo "luật" chơi; không biểu hiện nét mặt thể hiện thích thú khi được cho; không thể hiện vui khi bố mẹ về; không âu yếm với bố mẹ; không nhận biết sự có mặt của người khác; không quay đầu lại khi được gọi tên; không thể hiện vui buồn và tình cảm bất thường khi không đồng ý.

1-7-dau-hieu-de-nhan-thay-nhat-cua-tre-tu-ky-1399768045588.jpg
 Ảnh minh họa
Đến nay, nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, qua quá trình thăm khám, điều trị có thể đưa ra những nguyên nhân ban đầu dẫn tới trẻ mắc chứng tự kỷ. Đó là tổn thương não, các yếu tố nguy hiểm trước sinh (khi mang thai mẹ bị nhiễm virus cúm, sởi, tiền sản giật, sang chấn tâm lý, đẻ non, vàng da sơ sinh bất thường, xuất huyết não, thiếu ô xy não…); yếu tố di truyền (chiếm khoảng 10%); yếu tố môi trường (ô nhiễm, cách chăm sóc, giáo dục, tuổi sinh nở của bố mẹ…).

Điều trị trẻ mắc chứng tự kỷ càng sớm càng tốt. Điều trị toàn diện bao gồm chương trình can thiệp hành vi, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, chơi trị liệu và can thiệp tại nhà. Hiện không có thuốc đặc trị tự kỷ. Đa số trẻ tự kỷ có vấn đề nghiêm trọng trong phát triển giao tiếp và ngôn ngữ, do đó trị liệu về giao tiếp và ngôn ngữ hết sức quan trọng. Huấn luyện về giao tiếp sớm bao gồm huấn luyện các kỹ năng sau: Kỹ năng tập trung, bắt chước và chơi đùa; giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh; kỹ năng xã hội. 

Ngoài ra có thể lựa chọn chương trình huấn luyện theo mức độ tập trung vào các kỹ năng: Chú ý; bắt chước; tiếp nhận ngôn ngữ; thể hiện ngôn ngữ; kỹ năng trước khi đến trường; tự chăm sóc; ngôn ngữ trừu tượng; kỹ năng trường học và kỹ năng xã hội.

Hòa đồng với các trẻ bình thường và môi trường hoạt động xã hội bình thường rất khó khăn với trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, đây là yếu tố cần thiết với trẻ tự kỷ. Các bé nên được đi mẫu giáo từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày, đây là hình thức tham gia nhóm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, hiểu biết các quan hệ xã hội, tham gia với tư cách là thành viên của nhóm, mặc dù mức độ tham gia của trẻ rất hạn chế.

Khi con được chẩn đoán tự kỷ, cha mẹ cần tuân thủ quy trình can thiệp mà nhân viên y tế đưa ra, để giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm