Tiến sĩ Ngữ văn: Đề tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện năng lực

25/06/2018 - 11:57
TS Nguyễn Trọng Đức - Giáo viên Ngữ Văn THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, bản thân thấy vui khi đọc đề thi Ngữ văn sáng nay bởi đây là một đề văn “hay về nội dung, đẹp về hình thức”.

Ngay sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn sáng nay 25/6, TS Nguyễn Trọng Đức đã sớm có những chia sẻ cảm nhận của mình về đề thi. Thầy cho biết, bản thân thấy vui vì đây là một đề văn hay về nội dung, đẹp về hình thức diễn đạt, không quá khó, nhưng cũng chẳng dễ, phù hợp với kỳ thi và có tính phân hóa cao.

22554754_1471336846295710_7917166947965018627_n.jpg
TS Nguyễn Trọng Đức đánh giá cao đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Ảnh NVCC
 

“So với đề năm 2017, đề năm nay hay hơn, diễn đạt chặt chẽ hơn, và khó hơn. Với kiểu đề này đòi hỏi học sinh phải tư duy, vận dụng kiến thức và kỹ năng để làm bài chứ không thể học thuộc. Mặc dù chưa phải mở hoàn toàn, nhưng đề văn này sẽ góp phần thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học văn trong bối cảnh hiện nay” - thầy Đức nhận định.

Bàn cụ thể về các câu hỏi trong đề, theo thầy Nguyễn Trọng Đức, phần Đọc - hiểu các tác giả biên soạn đề đã chọn ngữ liệu hay, thức thời, giàu ý nghĩa nhân sinh. Các câu hỏi ở phần này hợp lí và đúng theo cấu trúc đề minh họa, cụ thể là câu hỏi 1, 2 ở mức độ nhận biết; câu hỏi 3 ở mức độ thông hiểu; câu hỏi 4 ở mức độ vận dụng thấp.

Kết cấu các câu hỏi hợp lí. Ở phần này khó nhất là câu hỏi 4, khó bởi học sinh ngoài việc bày tỏ quan điểm “… phù hợp với thực tiễn hay không?” thì còn phải trả lời câu hỏi “Vì sao?”, nghĩa là phải có lí lẽ chứ không thể đơn thuần là lựa chọn quan điểm. Câu hỏi này chỉ học sinh khá trở lên mới làm được.

36175901_10216341632078533_839687280556769280_n.jpg
Học sinh khá thoải mái sau giờ thi Văn sáng nay do đề thi không quá khó. Ảnh: D.H
 

Ở phần Làm văn, câu 1 diễn đạt chặt chẽ, nội dung yêu cầu hay và có ý nghĩa thức dậy ý thức của mọi người về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước trong bối cảnh hiện nay. Với yêu cầu của câu hỏi này thì đa số học sinh có đất để diễn, phát huy được năng lực của mình.

Với câu 2, thầy Đức cho rằng đây chính là bài tập để phân hóa học trò. Độ khó của đề chủ yếu nằm ở câu này. Khó vì trước hết là có sự xuất hiện của chương trình lớp 11 trong câu nghị luận văn học, tiếp nữa là yêu cầu của đề đòi hỏi học sinh phải phân tích một đối tượng trong chương trình 12 rồi liên hệ với một đối tượng ở chương trình lớp 11 để “nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn”.

“Nhận xét” nghĩa là phải đưa ra được quan điểm đánh giá của người viết. Muốn nhận xét được thì học sinh phải nắm vững nét riêng trong cách nhìn hiện thực của mỗi nhà văn. Ở bài tập này, đa số học sinh sẽ phân tích được sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài. Nhưng liên hệ với “Hai đứa trẻ” để “nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn” thì không nhiều học sinh làm được.

Thêm nữa, với cấu trúc bài tập này, học sinh phải xác định rõ ba thông tin trong bài tập. Thứ nhất là đối tượng chính cần phân tích “sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài” (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu); thứ hai là đối tượng dùng để liên hệ “sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu” (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

Thứ ba là mục đích cần đạt của đề “Nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”. Từ việc xác định đúng các thông tin, học sinh sẽ phải điều hòa dung lượng cho từng đối tượng. Đối tượng chính cần tập trung phân tích kỹ, dung lượng nhiều hơn; đối tượng liên hệ phải viết mỏng hơn; còn đích cần đạt không hề dễ, đòi hỏi học sinh phải có năng lực khá trở lên.

Ngoài ra, muốn có điểm trên 8,0, ngoài việc nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn, bài làm của học sinh cần có sự lí giải vì sao có sự tương đồng và khác biệt? Cơ sở nào dẫn đến sự tương đồng và khác biệt ấy? Sự tương đồng và khác biệt trong cách nhìn hiện thực của hai nhà văn có ý nghĩa gì đối với văn học? 

TS Nguyễn Trọng Đức nhận định, với đề này thì số học sinh đạt điểm từ 7,0 trở lên chỉ chiếm khoảng 30%, số học sinh đạt 5,0 điểm trở xuống chiếm khoảng 20%, còn 50% số học sinh còn lại sẽ đạt từ 5,0 đến cận 7,0 điểm.  

“Tóm lại, là một giáo viên trực tiếp dạy văn, tôi thấy hài lòng về đề văn này. Có thể nói đây là một đề thi an toàn, hợp lí, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với đối tượng, mục đích kỳ thi; xin chúc mừng các em học sinh vì đề văn đã "tạo đất" cho các em thể hiện năng lực” - thầy Đức chia sẻ.

Nguyên văn đề thi Ngữ văn:

  1. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...

Tp. Hồ Chí Minh 1980 -1982

(Trích "Đánh thức tiềm lực", Ánh trăng - Cát trắng - Mẹ và em,

Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 289-290)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?

Câu 3: Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 4: Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

II LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay?

Câu 2 (2.0 điểm)

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm