Tiếng đàn như đôi cánh thiên thần

11/10/2015 - 11:45
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, khó có thể hình dung người đàn ông chất phác, mộc mạc mang tên Nguyễn Thanh Liêm lại là chủ nhân của cây đại phong cầm trong nhà thờ. Ngay cả cái ‘chất nghệ sĩ’ của ông cũng thật khác thường.

Đến khi ông ngồi bên cây đàn, những ngón tay lướt nhẹ trên bàn phím, những giai điệu vang lên, khi hiền hòa, lúc mãnh liệt, trên nền hòa âm đầy thánh thiện như đôi cánh nâng hồn người bay bổng vào thinh không, thì mới nhận ra cái chất nghệ sĩ tiềm ẩn trong ông. Song, ngay cả cái ‘chất nghệ sĩ’ ấy cũng khác thường, nó dường như chỉ toát ra cùng với sự thành kính sâu sắc của một con chiên ngoan đạo…

‘Chơi nhạc Thánh không phải là quá khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, cũng chẳng mấy khi phải vận tới những hòa âm phức tạp. Tất cả đều rất đơn giản, mỗi nốt nhạc hay mỗi hòa âm đều chân thật như cuộc sống được phơi bày dưới ánh mặt trời. Vì thế mà một ‘tay ngang’ như tôi mới có thể đeo đuổi dòng nhạc này suốt mấy chục năm qua’, ông Liêm bộc bạch.

Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo quê Hải Dương, vào Sài Gòn từ những năm 1950, ông Liêm tham gia ca đoàn của giáo xứ từ hồi 17 tuổi. Ngày đó, chàng trai trẻ Thanh Liêm mê ca hát và thích được tham gia các hoạt động phụng vụ trong nhà thờ, nhưng ‘một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết. Vì nhà quá nghèo, làm gì có điều kiện để học hành’, ông kể. Vậy mà, chẳng hiểu vì sao đến năm Thanh Liêm tròn 22 tuổi, bà Soeur phụ trách ca đoàn, vốn rất giỏi nhạc, khi nghỉ hưu lại ‘tiến cử’ Liêm làm người ‘kế vị’.

Đó cũng chính là giai đoạn mà cuộc sống của ông đầy khó khăn: Nghề nghiệp không ổn định, phải bươn chải hết nghề thợ hồ đến thợ mộc, rồi chuyển sang làm công nhân sửa chữa đường tàu hỏa… Nhưng sự thiếu thốn, đói kém triền miên không thể làm nguội lạnh tình yêu âm nhạc đang được nhen nhóm trong tâm hồn chàng trai trẻ. Vừa cố gắng thu xếp thời gian để chăm sóc cho ca đoàn, ông vừa tranh thủ tự học nhạc từ sách vở, từ những người có kiến thức và tự bản thân suốt bao tháng ngày mày mò trên bàn phím cây đàn harmonium cổ lỗ, rối mắt những nốt trắng - đen.

‘Muốn chơi cho tốt các bài Thánh ca thì trước hết phải có tâm đạo, có cái rung cảm tinh khiết về phụng vụ và không thể có những tạp niệm khi đàn. Phải như vậy thì tiếng đàn mới đến thẳng trái tim mỗi giáo hữu, làm cho tâm linh rung động’, ông chia sẻ.

***

Khó khăn vẫn dai dẳng bám lấy cuộc sống của ông suốt những năm sau đó. Song, ông Liêm tâm sự: ‘Mỗi khi ngồi vào cây đàn, cùng dàn hợp xướng cất lên những bản Thánh nhạc đầy ắp đức tin và lòng tri ân thì mọi vướng bận, buồn khổ của đời thường như đều tan biến, tâm hồn như được gột rửa thanh tao, mình như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua mọi gian khó, chông gai’.

Đệm đàn phụng vụ là để tạo không khí tôn nghiêm, trầm lắng cho các giáo hữu cầu nguyện nhưng không phải lúc nào âm điệu của Thánh nhạc cũng giống nhau, mà có sự biến đổi sắc thái qua từng mùa trong năm. Như mùa lễ Phục sinh (tháng 4) thì âm nhạc rộn ràng, sôi nổi, còn trong mùa Vọng - Giáng sinh, thì âm nhạc tha thiết, nhớ mong. ‘Tôi đặc biệt xúc động mỗi khi chơi đàn để tiễn biệt một giáo hữu nào đó vừa về nước Chúa. Trong những lần như vậy, tôi đều cố gắng thể hiện qua tiếng đàn những câu chuyện, những tâm tình trải dài cả một kiếp người. Bởi, trong mỗi người già đều có một đứa trẻ được nuôi lớn lên, còn âm nhạc chính là bà mẹ vĩnh cửu’, ông Liêm kể.

***

Tiếng đàn trong sáng, chân thành đã giúp ông Liêm tìm được hạnh phúc lứa đôi. Cũng tiếng đàn ấy tiếp thêm cho ông nghị lực để nuôi nấng, dạy dỗ những đứa con khôn lớn nên người. Dẫu rằng cho đến giờ, ở tuổi 53, vợ chồng ông vẫn chưa có một mái nhà riêng, nhưng ông có thể hoàn toàn mãn nguyện về 2 cậu con trai lớn, 1 người đang làm việc tại Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel và sắp hoàn tất văn bằng 2 ngành Viễn thông, 1 người chuẩn bị lấy bằng Thạc sĩ Vật lý tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Còn cậu con út ngoan hiền đang học lớp 6.

Ông Liêm hiện làm nhân viên hành chính tại báo Công giáo và Dân tộc. Ngoài giờ làm việc và tham gia phụng vụ tại giáo xứ, ông cùng vợ chăm lo cho quán bán đồ ăn sáng của gia đình. Vất vả, bận rộn là vậy nhưng ông vẫn cảm thấy tâm hồn thư thái, vì những thanh âm thánh thiện luôn đầy ắp trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời…

Tiếng đàn giúp cho tâm hồn luôn thư thái, thánh thiện trong những khoảnh khắc của cuộc đời

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm