Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương

Bích Nguyên
03/03/2020 - 16:02
Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương
Triển khai từ đầu năm 2018, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thực hiện đã mang lại làn gió mát lành cho phụ nữ vùng biên, tạo ra hiệu ứng và sự lan tỏa sâu rộng. Với sự giúp đỡ thiết thực, "trúng đích", chương trình là điểm tựa, động lực để chị em phụ nữ, nhất là những chị em yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Niềm vui trên biên giới

Đón mùa xuân trong ngôi nhà được dựng lên nhờ bàn tay của những người lính Biên phòng, chị Chu Suy Bia (23 tuổi, dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vô cùng hạnh phúc. Có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của người phụ nữ này khi biết rằng ngôi nhà cũ của chị được làm bằng ván gỗ và nan tre ghép lại. "Khổ nhất là mùa đông, gió rét lùa qua từng khe ván lạnh buốt không thể ngủ được", chị Suy nhớ lại.

Từ ngày có nhà mới, kín gió, vợ chồng, con cái chị Suy đã ngủ ngon giấc, kể cả khi nhiệt độ xuống thấp tới mức có băng tuyết. "Nhờ các anh biên phòng cả đó chị. Các anh ấy kêu gọi tài trợ rồi trực tiếp xây dựng nhà, trao chìa khóa cho chúng tôi", chị Suy hồ hởi nói. Cùng thời điểm làm nhà mới, vợ chồng chị Suy được Hội LHPN xã ủng hộ tiền làm công trình phụ từ nguồn vốn của Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương - Ảnh 1.

Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng tặng quà cho 2 xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Sơn Hà

Giống như chị Suy, ở biên giới Đắk Lắk, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ rất thiết thực từ chương trình. Có thể kể đến niềm hạnh phúc của chị Lê Thị Hường, chị Lê Thị Duyên xã Ea H’leo khi được trao tặng "Mái ấm tình thương"; gương mặt vui tươi của các em học sinh được nhận học bổng...

Còn tại biên giới Lạng Sơn, năm 2019, với sự chung tay của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, các hoạt động hướng về phụ nữ biên cương diễn ra sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các cơ quan kết nghĩa nói trên đã xây dựng mô hình tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi gà 6 ngón Mẫu Sơn với 19 thành viên; hỗ trợ 20 hội viên phụ nữ thực hiện mô hình trồng cây dược liệu Sa Nhân; 20 hộ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng hơn 10 nhà tình nghĩa và gần 200 nhà vệ sinh tặng phụ nữ nghèo...

Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương - Ảnh 2.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng, tới thăm, động viên vợ liệt sỹ do đơn vị nhận phụng dưỡng. Ảnh: Bích Nguyên

Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Năm 2019, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã nhận hỗ trợ và giúp đỡ nhân dân 21 xã, thị trấn biên giới được hơn 1,9 tỉ đồng. Các hoạt động "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã vận động sự hỗ trợ, chung tay, góp sức của cộng đồng chia sẻ những khó khăn của nhân dân, phụ nữ các xã, thị trấn biên giới, tạo cơ hội cho phụ nữ khu vực biên giới được tiếp cận kiến thức mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế".

Một chương trình trúng nhiều đích

Qua 2 năm triển khai, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã minh chứng là hướng đi mới, hiệu quả trong triển khai công tác Hội phụ nữ. Với các hoạt động ngày càng thực chất, cụ thể, gắn với nhu cầu thiết thân của hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn, chương trình đã "trúng" nhiều đích.

Nhân 61 năm Ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2020): Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương - Ảnh 2.

Quân y Biên phòng Đắk Lắk khám chữa bệnh miễn phí cho phụ nữ khu vực biên giới Ảnh: Nguyễn Dân

Thông qua các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức, tổ chức Hội phụ nữ các xã biên giới khó khăn được củng cố, phát triển, trình độ cán bộ Hội được nâng lên. Chương trình đã tạo sự lan tỏa trong xã hội, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, kết nối sự chia sẻ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân và hội viên phụ nữ cả nước với tổ chức hội và phụ nữ tuyến đầu Tổ quốc.

Các hoạt động hỗ trợ/đồng hành diễn ra đa dạng, thiết thực bám sát nhu cầu hội viên, phụ nữ và Hội LHPN xã biên giới. Phương châm cùng đồng hành đã từng bước phát huy nội lực hội viên, phụ nữ và cán bộ hội cơ sở. Căn cứ tình hình thực tiễn tại từng địa phương, các cấp Hội địa bàn có biên giới lựa chọn các đối tượng, khu vực, nhu cầu cần thiết ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ trước. Để đảm bảo mục tiêu, tính bền vững của chương trình, việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn được thực hiện theo hướng trao cho người dân chiếc "cần câu", hướng dẫn họ cách để "câu" hiệu quả hơn là cho không người dân "con cá", nhằm phát huy nội lực, chủ động tích cực vượt khó đi lên của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới.

Tiếp thêm sự tự tin cho phụ nữ biên cương - Ảnh 4.

Cán bộ biên phòng hướng dẫn chị em học chữ

Đến nay, các tổ chức hội phụ nữ và đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Điển hình như tỉnh Quảng Bình xây dựng tổ hợp tác sản xuất nấm sạch; tỉnh Kon Tum thành lập tổ liên kết phụ nữ trồng mỳ (sắn) cao sản; Cao Bằng xây dựng 2 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế. Đắk Lắk trao hơn 220 triệu đồng vốn khởi nghiệp khởi sự kinh doanh cho phụ nữ 12 hộ xã biên giới; tổ chức lớp may dân dụng cho 31 chị phụ nữ nghèo xã Ia Lốp, huyện Ea Súp... Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ xây dựng công trình "Nước ngọt vùng biên", cầu nông thôn, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng... Với nhiều hoạt động thiết thực, một số chỉ tiêu quan trọng tại các xã biên giới trong chương trình đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", chị Vương Thị Danh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cánh Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Chúng tôi được hỗ trợ cả vật chất và tinh thần từ chương trình. Ngoài những món quà thiết thực, chương trình còn tổ chức tập huấn, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Chị em được vay vốn rất phấn khởi và tự tin là sẽ thoát được nghèo trong vòng 3 năm. Thông qua các hoạt động của chương trình, chị em thạo hơn về công tác hội, được kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Đặc biệt, chị em có ý thức hơn trong việc phối hợp với BĐBP tham gia bảo vệ đường biên cột mốc. Đến nay, cả 3 Chi hội phụ nữ thôn, bản biên giới đều thành lập câu lạc bộ phụ nữ tự quản vùng biên có quy chế rõ ràng, chị em đều tự giác tham gia. Qua tuyên truyền của chị em, ý thức của người dân về biên giới được nâng lên rõ rệt".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm