"Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết"

31/01/2022 17:01
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người già có cái lý của người già: theo thông lệ của các cụ "đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết", Tết nhất bàn thờ không đề huề bát đĩa lại không thấy yên tâm. Người trẻ có cách nhìn của người trẻ: mất công mất của nấu nướng mà không ăn hết, bỏ thì thương vương thì tội, chi bằng không làm.

"Thời nào rồi còn sính mâm cao cỗ đầy, có làm ra cũng chả ai ăn. Tết nhất giờ chỉ cần bát canh nước trong rau biếc là đủ rồi". Tuyên bố của đứa cháu thế hệ Z đã mở mắt cho những 8X, 7X, thậm chí 6X một tiêu chí ẩm thực mới, cũng để cho chúng tôi biết, canh "nước trong rau biếc" nghĩa là gì.

Hóa ra "Bát canh nước trong rau biếc" là tên một truyện ngắn của Phan Hướng Lê (Trung Quốc), nói về tình cảm của người vợ dành cho chồng thông qua bát canh trong, không có váng, ngoài rau xanh, đậu phụ, và dăm ba hạt câu kỷ đỏ không có thứ gì khác nhưng mùi vị thì tuyệt hảo.

"Bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào". Món canh nước trong tưởng chừng đơn giản ấy ai ngờ lại được nấu bằng một công thức cầu kỳ với toàn những nguyên liệu hảo hạng: sườn chọn loại ngon, giăm bông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, khi đến mùa cua thì mua một con cua bể ở hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, bỏ tất cả vào cái âu sành, đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, không nêm thứ bột nêm nào khác. Lúc gần ăn, mới thả rau, đậu, để những thực phẩm vẫn giữ nguyên màu sắc và hương vị tươi ngon của chúng.

Nhớ đến cái cảm giác no cả ngày vào dịp Tết, lại nhớ đến cái nắng hanh luôn làm người ta háo, tôi phần nào hiểu mong ước về một bát canh nước trong rau biếc của đứa cháu. Thời tiết ấy, hoàn cảnh ấy, thật đúng chẳng có mỹ vị nào cho bằng "một ngụm canh húp hơi bỏng môi một chút, sau đó thì thơm, ngọt, mát, êm… nối tiếp nhau nở bung ra trên lưỡi, đậu phụ mịn màng trơn tuột ve vuốt cổ họng, rồi nước canh theo thực quản trôi xuống, ma sát rất dễ chịu vào thành dạ dày".

Lại nhớ đến trước Tết khoảng 2 tuần, chị cả tôi, người đảm đang nhất nhà, than thở: bao nhiêu năm mà không cải tiến được, mẹ chồng cứ muốn 3 ngày Tết mỗi ngày phải làm một mâm cỗ cúng đủ 8 bát 8 đĩa. Làm chị không ngại, khổ nhất là nhà neo người, không có ai ăn!

Người già có cái lý của người già: theo thông lệ của các cụ "đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết", Tết nhất bàn thờ không đề huề bát đĩa lại không thấy yên tâm. Người trẻ có cách nhìn của người trẻ: mất công mất của nấu nướng mà không ăn hết, bỏ thì thương vương thì tội, chi bằng không làm.

Một năm Tết đến, chị tuyên bố với cả gia đình chồng: Tết này không làm cỗ, chỉ nấu bún thang. Bố chồng chị là trưởng họ, cứ mùng Một Tết là họ hàng đến nhà thắp hương, rồi dù ăn hay không cũng phải bày mâm cỗ, có khi bưng ra lại bưng vào, đồ ăn không suy suyển. Mẹ chồng chị can không được, mặc chị loay hoay với nồi bún thang. Chị tôi bảo: hầm xương mất 8 tiếng để cho ra hết nước ngọt, chuẩn bị nhân bún mất 2 tiếng nữa. Khách nào đến chị cũng múc một bát bún thang nóng hổi, mọi người quây vào ngồi ăn như ngoài hàng. Không ngờ là ai cũng thích. Thế là từ đó, cỗ Tết nhà chị tôi quay vòng, năm bún riêu, bún thang, năm phở.

Cháu gái tôi mới lấy chồng, hai đứa đều Tây học, nên Tết đầu tiên nó đã tuyên bố: đến nhà con ăn đồ Tây, đừng ai yêu cầu miến măng mộc nhĩ! Trước Tết, nó mua sẵn cà chua, xà lách, rong biển tươi, quả bơ, bắp cải tím... cho tất cả vào sục ozone rồi đóng hộp cất ngăn mát, nước sốt cũng pha sẵn. Khách đến thì lôi rau ra, thêm cá hồi hun khói, phô mai, trộn lên thành sa lát. Thêm bánh mì, phô mai dây cho những người uống rượu, đĩa sashimi, bát bạch quả rang muối nữa là đủ vị. Bữa ăn nhà nó gần như chả ai phải đứng bếp tất bật, mọi người có thể vừa ngồi nhâm nhi vừa tán gẫu. Bát đĩa dùng xong cho thẳng vào máy rửa. Thành ra ai cũng thích tụ ở nhà nó nhất. Cả năm trời cả nhà không mấy khi gặp nhau, lại không phải cắm mặt vào bếp núc, Tết hóa ra một dịp thư giãn thật sự.

Ngồi tán gẫu, tôi kể lại câu chuyện bát canh nước trong rau biếc, người nào cũng ngậm ngùi. Chuyện ấy còn có một đoạn sau: khi người chồng say nắng và chuyển ra ở với trà xanh, anh ta không còn có những bữa cơm ấm êm với bát canh "trông chẳng khác nào đóa phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên" nữa.

Cô gái trẻ đãi anh ta bằng những thực đơn học từ truyện của Murakami. Anh chồng dĩ nhiên không thỏa mãn, chỉ mơ về bát canh biết ve vuốt dạ dày của người vợ. Chỉ có điều anh ta hiểu ra hơi muộn, bát canh ấy, không chỉ cầu kỳ, tinh tế trong chế biến, nó ngon còn là bởi, khi nấu, người vợ đã cho vào đấy một liều yêu thương, đấy là thứ mà những sơn hào hải vị ngoài nhà hàng không có được.

Cho nên, chị tôi kết luận: cỗ 8 món của chị cả cũng được, salad Tây của cháu cũng được, miễn cứ nấu kèm "một liều yêu thương" rồi thì thể nào cũng ngon nhưng mà ngon rồi thì nên ăn hết, vừa không phụ tự nhiên cho ta thực phẩm, vừa không phụ cái tình của người nấu.

Câu tục ngữ "Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết" có thể được hiểu như sau: Ngày giỗ cha rất quan trọng, thường làm rất to nhưng giỗ cha không dứt khoát phải cỗ bàn thịnh soạn. Gặp năm mùa màng thất bát, đói kém, chiến tranh, loạn lạc... thì có khi chỉ có nén hương, chén nước, bát cơm, là "cúng cáo" để nhớ ngày kỵ. Như thế không có gì là trái đạo lý bởi "Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng".

Thế nhưng, 3 ngày Tết lại là chuyện khác. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng 3 ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng phải ăn no ("Giàu hay nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà"; "Đói cho chết, ngày Tết cũng phải no").

Quanh năm cấy trồng, chăn nuôi, tằn tiện để dành cho Tết. Ngày Tết được ăn ngon, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ thì hy vọng cả năm cũng sẽ được như vậy. Bởi thế, Tết đến, người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn ăn để lấy may cả năm. Tết không chỉ có ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên. Kẻ ăn mày đến ngày giỗ cha có khi chỉ "dầu nhang cúng cáo" nhưng Tết đến cũng phải cố tìm cách có được bữa tươm tất, no bụng.

Hoàng Tuấn Công

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn