Tiểu thương chợ Phủ Lý thẫn thờ sau hỏa hoạn

01/01/2016 - 00:00
Dồn tiền lấy hàng chuẩn bị thương vụ Tết nguyên đán, nhiều tiểu thương thẫn thờ khi vụ hỏa hoạn sáng 31/12 đã thiêu rụi nhiều hàng hóa, tài sản, thậm chí là cả sổ ghi nợ, hóa đơn...

Trắng tay sau hỏa hoạn

Có mặt tại chợ Phủ lý vào chiều muộn ngày cuối cùng của năm 2015, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhiều tài sản, hoàng hóa của bà con bỗng chốc bị biến thành tro bụi. Đây là vụ hỏa hoạn lớn nhất từ trước đến nay ở chợ Phủ Lý - trung tâm buôn bán sầm uất nhất tỉnh Hà Nam. Theo thiết kế, chợ Phủ Lý được chia làm 3 khu: khu 3 tầng, chợ lợp bằng tôn ở giữa và trung tâm thương mại kế bên thuộc phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý. Tiếp xúc với PV, nhiều tiểu thương mắt vẫn còn quầng sâu, lộ rõ vẻ bơ phờ, mệt mỏi vì gần như kiệt kệ khi hàng hóa, tiền bạc đều để lại trong ki ốt đã bị cháy rụi.  

Các ki ốt bị cháy trụi chỉ còn trơ khung

Chị Nguyễn Thị Mai , 39 tuổi, một tiểu thương cho biết: Chị kinh doanh đồ thờ của làng nghề Ý Yên hơn 8 năm nay tại chợ. Gia đình chị vừa dồn tiền được hơn 1 tỷ để lấy hàng về thì bị thiêu rụi. Vụ hỏa hoạn khiến chị bỗng chốc trắng tay. “Đang ngủ thì được báo tin cháy chợ, bất chấp cái lạnh, tôi vội vàng chạy ra cửa hàng nhưng đành bất lực vì gió to, lửa cháy dữ dội, lực lượng cứu hỏa thì mỏng, tôi liều mình xin vào cứu hàng nhưng bị ngăn lại”, chị Mai khóc mếu. Hy vọng lớn nhất của chị Mai là số tiền hơn 100 triệu đồng được cất bọc trong két sắt mong rằng vẫn còn.

Chị Mai cũng cho biết, hiệu sách Hương Khang nằm gần cửa hàng chị là bị thiệt hại nặng nề nhất. “Chiều qua, tôi thấy họ nhập nhiều lo sách, lịch về bán Tết, trị giá hàng tỷ đồng nhưng hiệu sách này đã bị cháy hết, cả hàng cũ và mới”.

Nhìn các dãy ki ốt bị cháy trơ khung, nham nhở như một bãi đổ nát và hoang tàn, ông Trần Đức Thiện, chủ một cửa hàng bán đồ khô không khỏi xót xa. Ông Thiện than thở: “Nhà tôi trắng tay hết cả rồi. Vì sợ gần Tết khan hàng nên gia đình vừa nhập một lô hàng về ki ốt để bán. Nào ngờ vụ cháy quá nhanh đã thiêu rụi tất cả. Gia đình tôi còn để một lượng tiền mặt lớn và cả sổ đỏ, hóa đơn, sổ nợ… trị giá hơn 1 tỷ trong két cũng có nguy cơ bị cháy. Hiện công an đang phong tỏa hiện trường để phục vụ điều tra nguyên nhân vụ cháy nên tôi chưa thể tiếp cận để kiểm tra”.

Ông Thiện thất thần sau vụ hỏa hoạn

Làm rõ nguyên nhân và khắc phục hậu quả

Sau vụ cháy xảy ra, sáng 31/12, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh sớm làm rõ nguyên nhân vụ cháy và khắc phục hậu quả. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện, nổ thiết bị sục hải sản tại các kiốt cuối chợ dẫn đến cháy lên các tấm xốp chống nóng trên mái tôn, lan tiếp xuống hàng hóa phía dưới rồi lan sang trung tâm thương mại.

Để sớm ổn định cho bà con tiểu thương, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Phủ Lý phối hợp với 2 công ty quản lý chợ là Công ty Cổ phần Châu Giang và Công ty Cổ phần Thương mại Hà Nam kê khai thiệt hại của các hộ kinh doanh. Thông báo cơ chế hỗ trợ và bố trí vị trí kinh doanh mới. Theo đó, mức hỗ trợ theo quầy hàng là 12 triệu đồng, đồng thời yêu cầu 2 công ty quản lý chợ có trách nhiệm hỗ trợ thiệt hại cho các hộ thuộc quản lý của từng công ty. Về phương án kinh doanh, các hộ buôn bán, kinh doanh thực phẩm tươi sống sẽ được bố trí dọc bờ sông Châu Giang. Các hộ kinh doanh khác bố trí tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Phủ Lý cũ và khu gửi xe giáp đường sắt.

Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc và trong việc quản lý thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ khu vực chợ. Yêu cầu các Công ty tham gia Bảo hiểm ở chợ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để giải quyết chế độ bảo hiểm cho bà con, sớm khắc phục hậu quả và ổn định công việc kinh doanh, cuộc sống.

Theo thống kê ban đầu, có khoảng 281/651 hộ kinh doanh bị thiệt hại, trong đó có 126 hộ mua bảo hiểm. Tổng thiệt hại ước khoảng hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu ở các ki ốt dễ cháy như: sách, vở, hàng mã, hàng gạo, đồ khô… Hiện các hộ tiểu thương mong muốn sớm được hỗ trợ để ổn định kinh doanh khi cái Tết Nguyên đán, mùa buôn bán, làm ăn của họ đang cận kề.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm