Tìm cách gỡ khó trong công tác hỗ trợ nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

21/06/2018 - 14:52
Ngoài việc lắng nghe những khó khăn, thách thức của cán bộ công nhân viên, các ban ngành đoàn thể trong quá trình hỗ trợ nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, buổi tọa đàm còn đề ra những giải pháp thiết thực giúp các chị em trở về cùng gia đình, xã hội.

Ngày 21/6, Hội LHPN Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về “Thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng” tại trụ sở Hội LHPN tỉnh Bình Định.

td.JPG
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
 

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo - TƯ Hội LHPN Việt Nam; bà Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, đại diện công an tỉnh Bình Định, cán bộ Trại giam Kim Sơn và đại diện hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: “Trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, nữ phạm nhân gặp phải nhiều khó khăn hơn phạm nhân nam vì một số rào cản về giới tính. Do đó, các ban ngành, đoàn thể cần chú ý hơn đến những trường hợp nhóm đối tượng này để hỗ trợ họ bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực. Chúng tôi hy vọng qua buổi tọa đàm, các cơ quan ban ngành có liên quan sẽ tìm ra được giải pháp hiệu quả giúp các chị em hoàn lương nhanh chóng có cuộc sống ổn định”.

td-4.JPG
Một phụ nữ hoàn lương (bìa phải) chia sẻ những khó khăn trong công việc khi mãn hạn tù.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng khẳng định: Về phía Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nữ phạm nhân hoàn lương nhằm giảm tình trạng tái phạm sau khi chấp hành án trở về.

Đại diện cán bộ thi hành án, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Giám thị Trại Giam Kim Sơn, chia sẻ: “Cùng phạm tội nhưng người phụ nữ gặp phải nhiều định kiến hơn đàn ông khi trở về với cộng đồng. Trong quá trình quản lý phạm nhân, tôi thường bắt gặp nhiều phụ nữ đến thăm và xin được ở lại qua đêm cùng chồng. Ngược lại, hầu như không có hoặc rất hiếm trường hợp chồng đến thăm và xin được lại cùng vợ. Đặc biệt, khi ra tù, các chị gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng lại tình cảm gia đình. Họ phải bù đắp những thiếu sót với vai trò một người mẹ, người vợ và người con trong thời gian thi hành án. Đồng thời, một số trường hợp phạm nhân bị giam từ 2-3 năm, số tiền nhận từ kết quả lao động trong thời gian chấp hành hình phạt tù ở trại giam được quy định tại Thông tư liên tịch số 4 chỉ dưới 500 ngàn đồng. Họ không thể trang trải với số tiền này trong thời gian tìm việc khi ra tù. Bên cạnh đó, các chị em rất khó xin việc nếu lý lịch có án tích”.

td-3.JPG
 Ông Nguyễn Văn Phòng (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám thị Trại Giam Kim Sơn, bày tỏ còn nhiều khó khăn đối với phạm nhân nữ khi về với xã hội.

 

Cùng quan điểm như trên, ông Ngô Hồng Long, Trưởng công an phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho rằng: “Khi làm sơ yếu lý lịch, chúng tôi buộc phải ghi vào hồ sơ nếu có tiền án tiền sự. Các doanh nghiệp rất e ngại vì thiếu sự tin tưởng vào những phụ nữ từng có án tù. Do đó, các chị hay mặc cảm tự ti và rơi vào tình trạng thất nghiệp, nguy cơ tái phạm tội cao. Theo quan sát của tôi, những phạm nhân nữ thường bỏ xứ đi xa sau khi mãn hạn tù vì không muốn đối mặt với những lời bàn tán không hay”.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Quy Nhơn, bày tỏ, Hội phụ nữ đã cố gắng tự vận động để giúp đỡ các chị em phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng như cho vay vốn làm ăn, giúp tìm việc làm... Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể thì các hoạt động này vẫn chưa thật sự hiệu quả. Do không có kinh phí nên các hoạt động trên chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, không đến nơi đến chốn. Với số vốn quá ít ỏi như vậy, các chị em rất khó để tự xoay sở làm ăn, xây dựng kinh tế.

td-2.JPG
Đại diện Hội LHPN phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, phát biểu tại tọa đàm

 

Sau khi nghe một số chị em phạm nhân hoàn lương nói lên những khó khăn, vất vả của họ khi trở về cộng đồng và tổng kết ý kiến của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Các ban ngành đoàn thể, chính quyền các cấp cần phối hợp đồng bộ để hỗ trợ nhiều hơn cho những trường hợp nữ phạm nhân mãn hạn tù trở về địa phương. Ngoài ra, bà Hương đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Từng địa phương liên kết với doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ mãn hạn tù, lập quyển sổ tay ghi chú những địa chỉ cơ quan, đơn vị hoặc công ty trên địa bàn để liên hệ khi cần giúp đỡ. Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tăng cường phát huy vai trò của mình trong công tác hỗ trợ các chị em trở về cộng đồng, tìm một việc làm lương thiện…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm