Tìm giải pháp hỗ trợ sức khỏe người di cư

Linh Trần
07/07/2020 - 17:51
Tìm giải pháp hỗ trợ sức khỏe người di cư
Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Họ cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương, đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe.

Tại buổi hội thảo Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 7/7, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết di cư là một hiện tượng tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển của các quốc gia dân tộc.

Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, dân số thế giới hiện có khoảng hơn 7 tỷ người, trong đó có khoảng 272 triệu người di cư. Tại Việt Nam, số người di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số. Đối với di cư nội địa, trong 5 năm qua là hơn 7% dân số, trong đó chủ yếu là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.

Ông Hoàng cho rằng, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Theo đó, tại nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động. Còn tại nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.

Tìm giải pháp hỗ trợ sức khỏe người di cư - Ảnh 1.

Lao động di cư hiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có sức khỏe

Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương. Đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và những việc này cũng tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, GS. Nguyễn Đình Cử, chuyên gia về dân số cho rằng, để có chính sách hỗ trợ sức khỏe người di cư phù hợp, trước hết cần đẩy mạnh nghiên cứu về sức khỏe của người di cư. Đặc biệt là dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và quản lý sức khỏe người di cư hiện nay; Tăng cường truyền thông về sức khỏe người di cư và vận động chính sách, nguồn lực để hỗ trợ đối tượng này; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành. Hình thành các nhóm làm việc vì sức khỏe người di cư tại địa phương; Đa dạng hóa mạng lưới chăm sóc sức khỏe người di cư; Tăng cường hợp tác quốc tế  trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người di cư.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm