pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu chung về bệnh rối loạn tiêu hóa là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 1. Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?
- 2. Bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
- 3. Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa
- 4. Nguyên nhân gây bệnh
- 5. Những ai thường mắc bệnh rối loạn tiêu hóa?
- 6. Biến chứng
- 7. Phương pháp điều trị
- 8. Nguyên tắc ăn uống khi bị bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
- 9. Phòng tránh rối loạn tiêu hóa
- 10. Một số câu hỏi thường gặp
1. Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?
Tiêu hóa là một quá trình hữu cơ phá vỡ và biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng, đi qua thành ruột rồi vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ở miệng, thức ăn được nghiền, trộn với nước bọt sau đó được tiêu hóa ở dạ dày.
Thức ăn sẽ tồn tại ở dạ dày trong khoảng 4 đến 5 giờ. Dạ dày sẽ tiết ra chất nhầy, acid để tiêu hóa thức ăn. Sau khi đã được tác động của dịch dạ dày và enzyme, thức ăn đi vào ruột non và tại đây các enzyme tiếp tục được tiết ra để thành chất dinh dưỡng có thể hấp thụ vào máu.
Sau đó, các phân tử sinh học sẽ bị phá vỡ trong khu vực tá tràng. Bất kỳ phần còn lại mà cơ thể chưa tiêu hóa hoặc không được hấp thụ sẽ được chuyển đến ruột già. Trong ruột già, hoạt động tiêu hóa ít hơn đáng kể.
2. Bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng được tạo ra bởi sự co thắt bất bình thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa. Nó làmcho chúng ta bị đau bụng và thay đổi vấn đề đại tiện. Đây không phải là một căn bệnh dẫn đến tử vong, chúng chỉ là một hội chứng khó chịu và hoàn toàn không nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, khi bị rối loạn tiêu hóa, người bệnh sẽ gặp những bất tiện trong sinh hoạt do bị thay đổi về đại tiện, bị đầy hơi hoặc đau bụng. Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng rất thông thường, mà gần như ai cũng có thể bị.
Theo những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học nhận thấy rối loạn tiêu hóa có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự bài tiết của chất serotonin nơi tiết hợp thần kinh chạy dọc theo hệ thống tiêu hóa có thể đóng một vai trò chính yếu. Một lý do khác cũng được đưa ra là do khí methane thặng dư trong ruột già và ruột non dẫn đến rối loạn tiêu hóa
3. Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa
Một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình bao gồm:
- Đau bụng âm ỉ: Cơn đau có thể xuất hiện ở vùng bụng trên, bụng dưới tùy thuộc vị trí tổn thương. Đau nhức thường xảy ra sau khi ăn no, ăn đồ cay nóng hoặc ngộ độc thực phẩm.
- Thay đổi bất thường về đại tiện:Người bệnh sẽ thấy triệu chứng rối loạn tiêu hóa như thường xuyên đi đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài mà không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, sau khi ăn no triệu chứng rối loạn tiêu hóa này càng biểu hiện rõ rệt.
- Đầy bụng, khó tiêu: Bụng luôn chướng hơi, ì ạch, khó chịu, nhất là sau khi ăn no.
- Ợ hơi, ợ nóng: Ợ hơi, ợ nóng khi đói và cả sau khi no là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề.
- Buồn nôn, nôn: Khi bị rối loạn tiêu hóa bệnh nhân sẽ thường thấy buồn nôn và nôn khan.
- Một số triệu chứng khác có thể gặp như cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, miệng đắng và hôi,…
Nếu những cơn đau nhẹ nhàng, thoáng qua thì chỉ là những thương tổn nhẹ, không gây khó chịu. Tuy nhiên nếu đầy bụng kèm theo dấu hiệu chán ăn, chướng bụng, khó tiêu, sụt cân, rối loạn đại tiện đi ngoài ra máu tươi hoặc có trường hợp đi ra phân lúc lỏng lúc táo xen kẽ thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để thăm khám, nội soi trực tràng, đại tràng nhằm xác định tình trạng bệnh.
4. Nguyên nhân gây bệnh
Tuy rằng đây là một căn bệnh thường thấy và ai cũng có thể gặp, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
Một chế độ ăn uống không hợp lý là câu trả lời cho vấn đề nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiêu hóa là gì bao gồm:
– Ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn chứa dầu mỡ, thức ăn dễ lên men, thực phẩm chua cay.
– Uống nhiều rượu bia, nước ngọt có gas.
– Thói quen vừa ăn vừa làm việc, ăn quá nhanh, quá no, ăn uống thất thường không có giờ giấc…
Ngoài ra, thói quen ăn uống vỉa hè, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường gây rối loạn.
Stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới nhu động ruột, ruột co bóp ít khiến thức ăn bị lưu giữ trong đường ruột lâu và hấp thu hết nước khiến phân quá khô sẽ gây ra táo bón. Ngược lại khi ruột co bóp quá nhiều khiến phân bị đẩy ra ngoài quá sớm khi chưa được hấp thu bớt nước và muối khoáng sẽ gây ra tiêu chảy.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc như kháng sinh và thuốc chống viêm không steroid, một số loại thuốc trong điều trị bệnh tiểu đường, thuốc ức chế miễn dịch… nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra phản ứng phụ. Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón là những biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp có liên quan đến việc sử dụng thuốc.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý liên quan đến dạ dày như: viêm ruột thừa, viêm đại tràng cấp tính,… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Khi mắc các bệnh lý này, dạ dày hoạt động kém và gây ra nhiều triệu chứng như nôn, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài, táo bón…
5. Những ai thường mắc bệnh rối loạn tiêu hóa?
Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
6. Biến chứng
Rối loạn tiêu hóa làm giảm nghiêm trọng lợi khuẩn có trong đường ruột gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó tạo cơ hội cho một số vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập và phát triển trong cơ thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm đại tràng mạn tính, viêm ruột, ung thư đại tràng…
Nguy hiểm hơn, rối loạn tiêu hóa với biểu hiện tiêu chảy kéo dài sẽ khiến người bệnh mất nước, mất chất điện giải dẫn tới nguy cơ bị suy nhược cơ thể, suy thận, hôn mê, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn tiêu hóa sẽ làm cho người bệnh kém hấp thu, mệt mỏi, thiếu sức sống, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
7. Phương pháp điều trị
Thay đổi cách thức ăn uống là một trong những phương pháp quan trọng nhất để có thể điều trị rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước nhất là đối với bệnh nhân có khuynh hướng táo bón. Tập thể dục đều đặn cũng có thể giúp cho cơ thể nói chung và hệ thống tiêu hóa nói riêng được hoạt động một cách tốt hơn.
Tùy theo từng cá nhân, bác sĩ có thể sẽ phải chữa trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên trong trường hợp rối loạn tiêu hóa, thuốc chỉ đóng một vai trò phụ trong việc chữa trị. Nếu dùng chỉ nên dùng khi thật cần và càng dùng ít càng tốt.
Các loại thuốc tiêu biểu như dicyclomine HCl (Sudopam Tablet), hyoscyamine sulfate (levsin) có thể thuyên giảm chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy. Vì bệnh có khuynh hướng thay đổi theo chu kỳ từ tiêu chảy đến táo bón, nên bệnh nhân thường uống thuốc cầm loperamide (imodium) hoặc diphenoxylate (lomotil) khi bị tiêu chảy và uống thuốc sổ khi bị táo bón. Một số thuốc có thể làm thuyên giảm những triệu chứng một cách đáng kể, tuy nhiên, việc chữa trị phụ thuộc chính vào chế độ ăn uống của người bệnh.
8. Nguyên tắc ăn uống khi bị bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
Bệnh rối loạn tiêu hóa liên quan trực tiếp tới vấn đề ăn uống, do vậy để việc điều trị cũng như phòng tránh chứng bệnh này đạt kết quả cao nhất người bệnh cần có sự điều chỉnh chế độ ăn uống như sau:
- Nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng của thức ăn cho cơ thể đồng thời giúp trung hòa các acid bảo vệ dạ dày. Do đó, người bệnh rối loạn tiêu hóa cần uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Trứng, cá trích, cá thu, cá hồi, nấm,... là thực phẩm chứa nhiều vitamin D có tác dụng kháng viêm, giảm đau cho người mắc bệnh rối loạn tiêu hóa.
- Các loại thịt trắng như thịt vịt, thịt gà và cá giúp cung cấp đạm cho cơ thể thay thế cho các loại thịt đỏ giàu chất béo gây khó tiêu.
- Rau củ và trái cây như ổi, chuối, bưởi, khoai lang, cà rốt chứa nhiều vitamin, chất xơ và vitamin C có tác dụng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế tình trạng mệt mỏi do rối loạn tiêu hóa gây nên.
- Thức ăn mềm, dễ tiêu bao gồm cháo, súp, canh,... cũng là thực phẩm người bị rối loạn tiêu hóa nên ăn.
9. Phòng tránh rối loạn tiêu hóa
Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, và phòng tránh rối loạn tiêu hóa, mọi người cần phải nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc sau:
– Tránh ăn thức ăn ôi thiu, nhiễm và nghi nhiễm hóa chất độc hại.
– Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố.
– Nên mua các thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt như rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,… và mua ở các cơ sở cung cấp có uy tín.
– Nên ăn uống điều độ, sáng và trưa nên ăn nhiều, tối nên ăn nhẹ nhàng hơn. Ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn thịt.
– Nên dành 1 ngày ít nhất 30 phút để tập thể dục thể thao, phù hợp với từng lứa tuổi.
– Không nên để quá no hoặc quá đói.
– Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh.
10. Một số câu hỏi thường gặp
Rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Rối loạn tiêu hóa tuy không gây tử vong nhưng gây ra rất nhiều phiền toái cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng hướng, rối loạn tiêu hóa trầm trọng kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nước do tiêu chảy quá nhiều, mệt mỏi, chán ăn.
Sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
Thông thường, khi chữa bệnh rối loạn tiêu hóa người bệnh thường mắc phải một số sai lầm sau:
- Chủ quan với triệu chứng rối loạn tiêu hóa ban đầu. Đây là thói quen phổ biến của người Việt. Khi cơ thể xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài hoặc táo bón, người bệnh thường không đi khám mà chỉ sử dụng các mẹo dân gian đơn thuần.
- Tự đoán bệnh và mua thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa. Người bệnh không hiểu rối loạn tiêu hóa là gì, khi thấy xuất hiện các triệu chứng đau bụng, đi ngoài, phân lúc lỏng, sống, nát, táo,... một số người lại nghĩ rằng mình bị bệnh dạ dày, đại tràng nên tự ý mua thuốc điều trị. Kết quả là bệnh không những không khỏi mà còn biến chứng nặng hơn.
- Không nắm rõ vai trò của lợi khuẩn. Sau mỗi lần mắc bệnh rối loạn tiêu hóa, lợi khuẩn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên chúng ta thường bỏ qua việc bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột khiến hệ tiêu hóa suy yếu dẫn tới tình trạng đau bụng, táo bón hoặc đi ngoài.