pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu chung về phương pháp sinh thiết gan
Sinh thiết gan là một xét nghiệm được thực hiện khi gan có vấn đề nhằm phát hiện các tế bào bất thường. Nó là phương pháp cho kết quả chính xác nhất để chẩn đoán các bệnh về gan và tình trạng bệnh đang ở mức độ nào.
1. Sinh thiết gan là gì?
Sinh thiết gan là một thủ thuật y tế, bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết (một dụng cụ bằng kim loại) nhỏ chọc qua da để lấy một mảnh nhỏ của mô gan hoặc tế bào từ gan nhằm quan sát dưới kính hiển vi.
Sinh thiết gan cho phép bác sĩ phát hiện xem có tế bào bất thường ở gan như tế bào ung thư hay không, đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình điều trị xơ gan, viêm gan… Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện phương pháp này nếu xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh cho thấy gan của bệnh nhân đang có dấu hiệu bất thường.
2. Sinh thiết gan có tác dụng gì?
Gan đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm sản xuất các protein và enzyme phụ trách nhiều quá trình trao đổi chất cần thiết, loại bỏ các chất độc hại trong máu, chống nhiễm trùng và lưu trữ các vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết.
Bác sĩ sẽ dùng kết quả của xét nghiệm sinh thiết gan để giúp xác định bệnh về gan như:
- Bệnh gan do rượu;
- Viêm gan tự miễn;
- Viêm gan mạn (b hoặc c);
- Gan ứ sắt;
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu;
- Xơ gan ứ mật nguyên phát;
- Bệnh Wilson (bệnh gan do di truyền).
3. Sinh thiết gan được tiến hành như thế nào?
Có 3 loại sinh thiết cơ bản, bao gồm:
- Qua da (còn được gọi là sinh thiết kim): có nghĩa là mô gan sẽ được lấy ra bằng một cây kim, bạn sẽ được giảm đau bằng cách gây tê tại vị trí đưa kim vào;
- Qua tĩnh mạch cảnh: bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở cổ, đưa một ống nhựa vào tĩnh mạch ở cổ và luồn nó xuống đến gan để lấy mẫu mô gan. Đây là phương pháp được sử dụng cho người bị rối loạn chảy máu dưới chỗ gây tê;
- Nội soi: bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ ở bụng, đưa dụng cụ vào tới gan và lấy một mảnh mô nhỏ.
Sau khi lấy các mẫu mô, bác sĩ sẽ gửi đến phòng thí nghiệm. Quá trình xét nghiệm có thể mất đến một vài tuần. Nhờ vào kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng và thảo luận về mọi thứ cần phải làm tiếp theo.
4. Cần phải làm gì trước khi sinh thiết gan?
4.1. Trước khi làm thủ thuật
Một tuần trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân cần lưu ý như sau:
- Dừng uống Aspirin và các thuốc chống viêm không phải steroid như: Fendel, Voltaren, ibuprofen… Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể uống acetaminophen (Tylenol).
- Dừng uống thảo dược và các thực phẩm chức năng khác như dầu cá và Ginkgo.
- Nếu như bệnh nhân đang sử dụng các thuốc chống đông máu như: Coumadin (wafarin) hoặc Plavix (clopidogrel), hãy thảo luận với bác sĩ liệu có thể dừng thuốc này cho đến khi làm thủ thuật hay không? Thời gian dừng thông thường là 5 ngày.
Một ngày trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân cần chú ý:
- Nếu là bệnh nhân bị đái tháo đường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị có nên uống thuốc hay không?
- Mang theo các thuốc mà bệnh nhân đã được kê đơn như thuốc hạ áp, điều chỉnh nhịp tim, thuốc giảm đau.
Vào ngày làm thủ thuật:
- 6 tiếng trước khi sinh thiết gan, bệnh nhân không được ăn hay uống những thức uống có màu, đồ uống không có màu như nước táo, gừng, nước lọc vẫn dùng được.
- 3 giờ trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân tuyệt đối không uống bất cứ thứ gì. Bác sĩ có thể giải thích thêm cho bệnh nhân về thủ thuật này. Hãy lắng nghe một cách cẩn thận và thảo luận với bác sĩ những điều chưa hiểu rõ. Thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc và tiền sử bệnh của bạn.
- Hãy đến bệnh viện trước khi làm thủ thuật 1 giờ. Và luôn nhớ phải có một người thân đi cùng bạn.
- Mang theo các loại giấy tờ bảo hiểm và các thuốc đang sử dụng.
- Bác sĩ sẽ làm siêu âm trước khi sinh thiết gan để tìm vị trí sinh thiết tốt nhất.
- Bệnh nhân sẽ ký vào bản cam kết làm thủ thuật và sẽ ở lại viện theo dõi 1 ngày sau khi sinh thiết gan.
4.2. Trong suốt thời gian làm thủ thuật
Trong lúc làm thủ thuật sinh thiết gan, bệnh nhân sẽ trải qua những việc sau đây:
- Bệnh nhân sẽ được đặt một đường truyền thuốc trên tay. Đường truyền này nhằm mục đích giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình sinh thiết và điều dưỡng cũng có thể lấy máu làm xét nghiệm nếu cần.
- Bệnh nhân cũng được theo dõi mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu trong suốt thời gian làm thủ thuật.
- Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm thẳng, cánh tay phải để trên đầu. Sau đó bác sĩ siêu âm để tìm vị trí sinh thiết tốt nhất. Vùng da làm sinh thiết sẽ được sát trùng sạch, sau đó sẽ gây tê tại chỗ. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thở trong suốt quá trình sinh thiết gan.
4.3. Sau khi làm thủ thuật
- Điều dưỡng sẽ đo mạch, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu và kiểm tra vị trí sinh thiết của bạn xem có bị chảy máu hay không.
- Bệnh nhân sẽ được uống các chất lỏng nếu tình trạng của ổn định. Tuy nhiên một vài người có thể sẽ không được ăn hoặc uống trong 2 giờ sau khi làm sinh thiết gan. Thông thường bệnh nhân sẽ nằm nghỉ trên giường từ 6 - 8 giờ, các hoạt động ăn uống hoặc vệ sinh được thực hiện tại giường.
- Vị trí làm sinh thiết sẽ được băng lại bằng miếng gạc và miếng băng này sẽ được bỏ vào ngày hôm sau.
- Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và theo dõi bản thân khi bạn về nhà.
- Không uống Aspirin hay bất cứ thuốc giảm đau chống viêm như: Ibuprofen, Felden… trong một tuần sau khi sinh thiết gan trừ khi bác sĩ kê đơn. Acetaminophen (Tylenol) 2g/ngày thì có thể sử dụng. Không uống rượu cùng với các thuốc có chứa acetaminophen.
- Khi về nhà, điều dưỡng sẽ đưa cho bạn một bản hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi tại nhà, số điện thoại liên lạc khi bạn thấy bất thường.
5. Biến chứng của sinh thiết gan
Sinh thiết gan là một thủ thuật khá an toàn tuy nhiên một số trường hợp có thể xuất hiện các biến chứng. Những điều không mong muốn có thể gặp là:
- Đau: Đau tại vị trí sinh thiết hay gặp nhất nhưng khá nhẹ, thường kéo dài 5-20 phút (cứ 4 người có một người bị đau).
- Chảy máu: chảy máu có thể xuất hiện sau sinh thiết gan (chỉ gặp 1 ca/1000-3000 người). Phần lớn các trường hợp có thể điều trị nội khoa. Nếu chảy máu nhiều có thể cần ở lại viện lâu hơn để truyền máu hay phẫu thuật cầm máu tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp.
- Nhiễm trùng: rất hiếm gặp, vi khuẩn có thể vào khoang bụng hay vào máu. Bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh trong trường hợp này.
- Tổn thương các bộ phận liền kề, tuy rằng rất hiếm gặp. Nó xảy ra do kim sinh thiết có thể chọc vào túi mật hay vào phổi trong suốt quá trình sinh thiết.
- Dị ứng với Lidocain (thuốc gây tê tại chỗ)
Hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất khi bạn có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
- Đau tại vị trí dạ dày (vùng bụng giữa trên rốn), vai, ngực.
- Chảy máu từ vị trí sinh thiết với số lượng hơn một thìa cà phê nhỏ.
- Mệt, chóng mặt hay đau đầu ảnh hưởng tới khả năng đứng hay đi bộ.
- Nhịp thở nông, ngắn hoặc bất thường trong 2 phút.
- Cảm thấy khó thở hơn bình thường, sốt hoặc có cơn ớn lạnh.
- Nôn hoặc đại tiện ra máu.
Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào mà không thể liên lạc với bác sĩ hãy đến phòng cấp cứu gần nhất.