pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ bằng truyện tranh
Cuốn truyện tranh "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ"
Ngày 12/10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), NXB Kim Đồng tổ chức tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt. Tọa đàm xoay quanh việc sáng tạo, phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ và cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của TS. Phạm Thị Kiều Ly.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS. Phạm Thị Kiều Ly, nhà nghiên cứu Hán Nôm - PGS.TS. Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu lịch sử - TS. Vũ Đức Liêm. Các diễn giả đã trao đổi xoay quanh chuyến hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào 400 năm trước (1624-2024) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam.
Theo TS. Phạm Thị Kiều Ly, ban đầu thứ văn tự này chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm trao đổi với người Việt và thuận tiện trong việc truyền giáo. Sau đó nó được sử dụng như một thứ mật mã và chỉ được dạy trong các chủng viện. Sau những biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm vai trò khai dân trí và trở thành chữ viết chính thức của nước ta.
Với mong muốn các em học sinhdễ đọc, dễ tiếp cận khi tìm hiểu về chữ Quốc ngữ, TS. Phạm Thị Kiều Ly đã hoàn tất cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ với phần minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long. Đây là cuốn truyện tranh bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ, tức Alexandre de Rhodes. Vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican này đã tới Việt Nam từ thế kỷ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.
"Về việc tái dựng bối cảnh, trang phục của các giáo sĩ phương Tây và người dân thế kỷ 17, chúng tôi tham khảo các tài liệu và nhận được sự góp ý của các nhà chuyên môn. Những thuật ngữ Công giáo, thuật ngữ ngôn ngữ và tên riêng cần giri thích được chúng tôi in đậm trong văn bản và chú giải ở phần Từ vựng đặt cuối cuốn sách", TS. Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long cho biết thêm.