Tìm hiểu lịch sử thời Hậu Lê qua “Bắc hành lược ký”

Bảo Minh
01/03/2020 - 22:02
Tìm hiểu lịch sử thời Hậu Lê qua “Bắc hành lược ký”
Cuốn “Bắc hành lược ký” của Lê Quýnh qua bản dịch mới do nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính thực hiện sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều câu hỏi xuyên suốt một giai đoạn lịch sử Việt Nam trải dài 2 thế kỷ.

Thời Lê trung hưng (1533 – 1789) là một trong hai giai đoạn quan trọng của nhà Hậu Lê. Xuyên suốt hơn 250 năm nhưng trên phương diện lịch sử, nhiều điều về thời kỳ này vẫn chưa được biết tới. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Bắc hành lược ký của Lê Quýnh – một đại trung thần của nhà Lê, đã giúp làm sáng tỏ nhiều câu hỏi xuyên suốt một giai đoạn lịch sử Việt Nam trải dài hơn 2 thế kỷ.

Bắc hành lược ký là một "hồi ký chính trị" của Trường Phái hầu Lê Quýnh mà trọng điểm là 10 năm ông bị cầm tù trong nhiều nhà ngục tại Trung Hoa sau khi theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang phương Bắc lưu vong. Tuy chỉ là hồi ký tương đối ngắn của một người trong ngục, nhằm ghi nhận về những mốc lớn trong cuộc đời, chủ yếu là chép lại di sản văn chương vốn dĩ quan trọng đối với nhà nho thuở trước nhưng lại có thể dùng như một tấm gương soi phản ảnh giao tình giữa Trung Hoa và An Nam, khi thắm thiết, khi lạnh nhạt, khi ruồng rẫy.

Cuốn Bắc hành lược ký

Cuốn "Bắc hành lược ký"

Bản dịch mới Bắc hành lược ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, bên cạnh bản dịch trước đó của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, sẽ góp thêm vào việc tìm lại lịch sử của thời kỳ ấy, như một góc cạnh khác để soi sáng cho lịch sử giao thiệp với phương Bắc.

Bản dịch mới lần này dựa theo bản Hán văn của tạp chí Nam Phong, có đối chiếu, bổ túc, tham khảo các bản in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san và lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cùng những tài liệu, văn thư của triều Thanh trong cùng thời điểm, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa nhiều, sáng tỏ hơn khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử từ cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn.

Tác giả Lê Quýnh (1750 – 1805) là một võ quan Đại Việt triều Lê trung hưng. Ông từng theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Hoa lưu vong, bị cầm tù hơn 10 năm mới được về nước, nhưng vẫn không chịu gióc tóc (bện tóc) và thay đổi lối ăn mặc, khí tiết ấy khiến người ta khâm phục. Ông để lại khá nhiều tác phẩm có giá trị sử liệu và văn chương, trong đó quan trọng nhất là Bắc hành lược ký (tập hợp những ghi chép khi sang đất Bắc).

Nguyễn Duy Chính (sinh năm 1948) là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách tập trung vào mảng Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn như: Việt - Thanh chiến dịch, Thanh - Việt nghị hòa, Lê mạt sự ký - Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII, Khâm định An Nam Kỷ lược, Đại Việt quốc thư, Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Núi xanh nay vẫn đó, Vó ngựa và cánh cung… Ông cũng đã dịch nhiều tác phẩm của đệ nhất tác gia kiếm hiệp Kim Dung.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm