pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu những đối tượng dễ mắc bệnh nấm da nhất
Nấm da có thể gặp phải ở bất cứ ai và quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Tuy nhiên, có một vài đối tượng sẽ dễ mắc bệnh nấm da. Do đó, tìm hiểu bài viết dưới đây để biết mình có phải đối tượng dễ mắc bệnh hay không?
1. Đối tượng dễ mắc bệnh nấm móng
Nấm móng là một trong các loại bệnh nấm thường gặp phổ biến ở móng tay hoặc móng chân có thể khiến cho móng bị đổi màu, dày và dễ bị nứt gãy hơn. Nhiễm nấm móng có thể do nhiều loại nấm khác nhau (nấm men hoặc nấm mốc) sống trong môi trường.
Các vết nứt nhỏ trên móng tay hoặc vùng da xung quanh có thể cho phép những vi khuẩn này xâm nhập vào móng tay và gây nhiễm trùng.
Bất cứ ai cũng cũng thể bị bệnh nấm móng, nhưng đối tượng dễ bị nhiễm hơn:
- Người lớn tuổi dễ bị mắc bệnh nấm móng hơn.
- Người bị chấn thương móng tay như bị lật móng hoặc phẫu thuật móng tay.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Nấm móng hay gặp phải ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Đặc biệt nấm móng thường gặp ở người gặp phải vấn đề về lưu thông máu. Vận động viên hay phải đi giày thể thao liên tục, khiến đôi chân bị bí bách không thông thoáng dẫn đến việc bị nấm bàn chân và nấm kẽ chân.
2. Người dễ mắc ecpet mảng tròn
Ecpet mảng tròn là bệnh nhiễm trùng da phổ biến do nấm gây ra. Các khu vực trên cơ thể có thể bị nhiễm nấm loại này là: Bàn chân, háng, đùi trong hoặc mông, da đầu, râu. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến da trong hầu hết bộ phận cơ thể như móng tay và móng chân.
Loại nấm này gây ra các phát ban tròn, giống hình chiếc nhẫn. Nấm gây nhiễm trùng có thể sống trên da, bề mặt và trên các vật dụng như quần áo, khăn tắm, khăn trải giường.
Vì thế những người hay sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng xông hơi công cộng…, người hay dùng đồ đạc, quần áo cũ của người khác, người thường xuyên ở nhà nghỉ, khách sạn… là dễ mắc ecpet mảng tròn hơn cả.
3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh nấm Candida
Nấm Candida là loại nấm phổ biến. Nấm loại này thường sẽ có cơ hội bùng phát và gây bệnh ở những đối tượng sau:
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, những người nhiễm HIV/AIDS.
- Người sử dụng kháng sinh, thuốc corticoid dài ngày
- Người được điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị.
- Những người giữ vệ sinh cơ thể kém, hay dùng chung đồ cá nhân với người khác.
- Phụ nữ có nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen tăng.
Ngoài ra, chứng hăm tã được gây ra bởi nhiễm nấm có tên là Candida có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào. Nấm candida phát triển tốt nhất ở môi trường ấm, ẩm ướt, vì vậy mặc tã tạo một môi trường hoàn hảo cho chúng phát triển.
4. Bệnh hắc lào dễ mắc ở đối tượng nào?
Hắc lào do những loại vi nấm thuộc nhóm dermatophytes gây ra như: epidermophyton, microsporum, trichophyton, malassezia furfur. Các loại nấm này có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi.
Theo thống kê thì những người da dầu, khi cơ thể có sự biến đổi về lượng hormone có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ bị hắc lào hơn thông thường.
Một số đối tượng dễ mắc bệnh hắc lào cao:
- Trẻ em dưới 15 tuổi.
- Những người sống trong môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
- Những người có hệ miễn dịch yếu.
- Những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt, gần gũi với người bị hắc lào.
- Những người có sở thích mặc quần áo bó sát người.
- Những người chơi các môn thể thao tiếp xúc da trực tiếp và ra nhiều mồ hôi đánh võ, đấu vật,...
- Người bị lây nhiễm bởi người bị hắc lào khi sử dụng chung quần áo, chăn, ga, gối, đệm, khăn tắm, quần áo, khăn tắm hoặc tiếp xúc da trực tiếp với người bị hắc lào sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
- Người ở bẩn và việc vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, nhiều ngày không tắm rửa, mặc quần áo bẩn, nhiều ngày không thay hay mặc quần áo khi chưa khô tạo điều kiện thuận lợi để cho các vi nấm xâm nhập cơ thể và gây ra hắc lào.
- Người sống trong môi trường ô nhiễm.
- Người có sở thích nuôi và cưng nựng thú cưng.
5. Ai là người dễ mắc bệnh lang ben?
Lang ben là một trong những bệnh da phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Lang ben xảy ra khi vi nấm pityrosporum ovale- đây là một loại nấm men có thể phát triển da. Bệnh có thể phát triển nhanh chóng trên bề mặt da.
Tuy lang ben rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi hoặc chủng tộc, nhưng thường xảy ra ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Những người sống ở các vùng nhiệt đới, khí hậu nóng có thể quanh năm mắc lang ben vì họ phải đổ mồ hôi rất nhiều.
Ngoài ra, lang ben còn xuất hiện ở vận động viên thể thao cũng là nhóm người dễ mắc bệnh. Người có làn da nhờn bẩm sinh hoặc đang có những thay đổi nội tiết tố (chẳng hạn như tuổi dậy thì, mang thai hoặc có điều trị nội tiết tố). Người có hệ thống miễn dịch yếu như mắc nhiều bệnh, bị hội chứng AIDS,… đều là đối tượng dễ mắc lang ben.
6. Người dễ bị nấm da đầu
Nấm da đầu là một bệnh nhiễm trùng da đầu do nấm sợi thuộc loài Trichophyton và Microsporum xâm nhập vào sợi tóc gây ra, xâm nhập vào các sợi tóc của người bệnh. Hai loài nấm này, thường cư trú ở vùng da đầu ẩm ướt. Bất kỳ lứa tuổi nào và bất cứ ai cũng có thể mắc chứng bệnh này.
Người vệ sinh da đầu không sạch sẽ tạo nên môi trường ẩm ướt thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Quá trình gội đầu việc vệ sinh không đúng cách, gãi và chà xát quá mạnh sẽ làm cho da đầu bị trầy xước khiến da đầu bị tổn thương và nấm phát triển.
- Người bận rộn để đầu bẩn, đi ngủ khi tóc còn ướt,... cũng khiến nấm da đầu phát triển.
- Lây nhiễm từ người bị bệnh, động vật.
Người sống ở vùng có môi trường bị ô nhiễm có nguy cơ bị nấm da đầu cao.
Để không bị mắc nấm da và hạn chế tình trạng lây lan của bệnh, cần giữ vệ sinh cá nhận, lau dọn nhà cửa sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, hạn chế dùng đồ đạc cá nhân chung. Khi mắc bệnh, cần đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.