pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm hiểu về bệnh hen suyễn do dị ứng vật nuôi: Cơ chế gây bệnh và cách phòng ngừa
1. Vật nuôi gây ra các triệu chứng hen suyễn như thế nào?
Nhiều người nghĩ rằng lông động vật là nguyên nhân gây ra các cơn hen suyễn. Nhưng thực chất nó không phải là yếu tố chính. Nếu bạn bị hen suyễn do dị ứng vật nuôi, thì nguyên nhân thường là do bạn bị dị ứng với các protein có trong vảy da của động vật, nước bọt, nước tiểu, phân hoặc thậm chí các hạt mịn từ lông chim gọi là 'bụi lông'.
Nếu bạn nhạy cảm với các protein này, chạm hoặc hít vào chúng sẽ khiến hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng thái quá và giải phóng một hóa chất gọi là histamine, dẫn đến phản ứng dị ứng.
Các triệu chứng có thể bao gồm mắt và mũi đỏ, ngứa và chảy nước; hắt xì; ho; ngứa hoặc đau họng; ngứa da; và nghiêm trọng nhất là gây khó thở. Đối với nhiều người mắc bệnh hen suyễn, việc giải phóng histamine này có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
Bạn cũng có thể bị dị ứng với những thứ khác liên quan đến thú cưng như chuồng hoặc bể chứa, thức ăn chúng ăn, sản phẩm tắm cho thú cưng, gel rửa tay kháng khuẩn bạn sử dụng sau khi chạm vào chúng,....
2. Làm sao để biết bạn bị hen suyễn do dị ứng vật nuôi?
2.1. Quan sát các triệu chứng
- Nếu bạn bị hen suyễn do dị ứng vật nuôi nhẹ thì các triệu chứng dị ứng (như ngứa, đỏ, hắt hơi, ho) có thể không xuất hiện cho đến sau vài ngày tiếp xúc với động vật.
- Nếu bạn bị hen suyễn do dị ứng vật nuôi nặng thì có thể xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp (như ho, khò khè, khó thở) ngay sau khi bạn tiếp xúc với vật nuôi. Đôi khi còn kèm theo các dấu hiệu dị ứng nặng như phát ban ở mặt, cổ và ngực trên.
- Hãy để ý xem bạn có cảm thấy tốt hơn sau thời gian rời xa vật nuôi hay không? Ví dụ, khi bạn đi nghỉ mát, các triệu chứng hen suyễn có thể được cải thiện. Lưu ý rằng, việc đưa vật nuôi ra bên ngoài nhà, hoặc đến 1 phòng khác sẽ không giúp cải thiện các triệu chứng hen suyễn do dị ứng vật nuôi nhiều. Bởi các lông, vảy da chết, chất thải của vật nuôi có thể vẫn ở trong thảm, đồ đạc, quần áo và các vật dụng trong nhà.
2.2. Thực hiện các xét nghiệm
Đây là cách chính xác nhất để xác định xem bạn có bị hen suyễn do dị ứng vật nuôi hay không. Các bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm chích da hoặc xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây hen suyễn dị ứng.
3. Cách phòng tránh hen suyễn do dị ứng vật nuôi
3.1. Nếu bạn không có thú cưng
- Uống thuốc kháng histamine 1 giờ trước khi bạn đến thăm người có thú cưng hoặc tiếp xúc gần gũi với chủ vật nuôi, vì quần áo và nhà cửa của họ có thể lưu giữ các chất gây dị ứng. Cân nhắc đeo khẩu trang hoặc khăn quàng cổ để che mũi và miệng.
- Yêu cầu bạn bè, người thân hút bụi và giữ thú cưng ở ngoài nhà trước khi bạn đến thăm.
- Xin ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc xịt mũi thông thường để giúp kiểm soát các triệu chứng hen suyễn do dị ứng vật nuôi nếu bạn không thể tránh tiếp xúc với chúng.
3.2. Nếu bạn nuôi động vật
- Đến bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hen suyễn phù hợp nhất.
- Không nên nuôi thú cưng trong nhà, cố gắng để vật nuôi ra khỏi phòng ngủ của bạn.
- Tắm cho vật nuôi thường xuyên. Vệ sinh chuồng trại, nơi ở của chúng sạch sẽ.
- Thường xuyên lau chùi nhà cửa, nên sử dụng 1 bộ lọc không khí và máy hút bụi hiệu quả cao để loại trừ lông, vảy da chết và chất thải của vật nuôi trong nhà.
Hen suyễn do dị ứng vật nuôi là một tình trạng y tế thường gặp. Động vật cũng có thể làm trầm trọng hơn các cơn hen suyễn ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Do đó, mọi người cần hết sức cân nhắc trước khi có ý định nuôi thú cưng trong nhà.
Nguồn dịch: https://www.asthma.org.uk/advice/triggers/animals-and-pets/