Chi Phạm Thị H. (Bắc Ninh), cho biết, trong câu lạc bộ tập hợp những người có “H” mà chị tham gia, còn nhiều người không thể mua BHYT do kinh tế khó khăn. Đặc biệt, trong câu lạc bộ có khoảng 90% phụ nữ có “H” đã mất chồng, việc làm không ổn định, đa phần làm thuê, cuộc sống bấp bênh, dựa vào người thân là chính. Vì vậy, việc mua thẻ BHYT và cùng chi trả chi phí điều trị đối với nhiều người rất khó khăn. Đó là chưa kể, một số anh chị em có “H” còn mắc thêm bệnh lao, hay viêm gan C thì việc chi trả là cả một vấn đề lớn. Nhiều người phải từ bỏ điều trị bệnh đồng nhiễm vì không có kinh phí.
Tư vấn phòng, tránh lây nhiễm HIV
Cũng theo chị H., tuy Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo hay cận nghèo nhưng người có “H” không dễ dàng được xếp vào diện này, dù nhiễm HIV thì sức khỏe và sức lao động sẽ ngày càng giảm sút. “Chúng tôi hy vọng sẽ được Nhà nước và xã hội quan tâm tạo điều kiện cho những người có “H” được cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc được trợ giá và không áp dụng mua theo hộ gia đình khi mua thẻ BHYT tự nguyện”, chị H. bộc bạch.
Hơn nữa, việc điều trị bằng BHYT cũng có nghĩa là bệnh nhân có thể phải chuyển sang khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế theo phân tuyến. Thực tế này khiến nhiều người có “H” không khỏi lo ngại vấn đề bảo mật thông tin khi họ phải kê khai bệnh hoặc khi phải xin giấy chuyển viện... “Mới đây, tôi được các bác sĩ khuyến khích mua BHYT để sử dụng cho việc điều trị sau này. Nhưng sử dụng BHYT đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải tiết lộ thông tin cá nhân. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn cho gia đình và nhất là các con tôi. Bởi hiện ngoài chồng tôi thì không ai biết tôi nhiễm HIV”, chị Nguyễn Thu G., ở Quảng Ninh, chia sẻ.
Thách thức khi nguồn viện trợ bị cắt
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) việc tiếp cận sớm và tuân thủ điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân HIV/AIDS cần điều trị bằng thuốc ARV. Hiện 95% tiền chi trả cho thuốc ARV là từ viện trợ. Tuy nhiên, đến hết năm 2017, các khoản viện trợ sẽ chấm dứt hoàn toàn, đồng nghĩa người bệnh sẽ phải bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT.
Chi phí ước tính cho 1 bệnh nhân điều trị bằng ARV hiện nay khoảng 300.000 đồng/tháng. Đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí tăng lên 7-8 lần. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân HIV có hoàn cảnh khó khăn nên việc chi trả trên là một khoản tiền quá lớn. Nếu không có khả năng chi trả, người bệnh sẽ bỏ điều trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh mà còn khiến nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng tăng cao.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, điều trị ARV không chỉ tăng sức khỏe cho bệnh nhân mà còn giảm 90% khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu đầu tư 1 USD cho ARV thì sẽ giảm được 7 USD chi phí cho xã hội. Trong 15 qua, Việt Nam đã giảm được khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV, cứu 150.000 không bị tử vong vì AIDS, trong đó đóng góp của ARV là rất lớn.
Khi nguồn viện trợ ARV bị cắt giảm sẽ là thách thức rất lớn để Việt Nam có thể đạt mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020. “Riêng về BHYT, Cục cũng sẽ nỗ lực tuyên truyền để tăng tỉ lệ người có “H” tham gia nhưng đây là một thách thức lớn. Hiện chúng tôi đã đề nghị có cơ chế đặc thù, cấp miễn phí BHYT... để tạo điều kiện cho người có “H” tham gia BHYT. Bởi việc điều trị ARV không chỉ vì người có “H” mà còn vì sự phát triển chung của cả cộng đồng”, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm.