QUEN MÀ LẠ
“Chat” không còn xa lạ gì với mọi người trong thời công nghệ số. Vậy mà, cũng là “chat”, nhưng vì sao SnapChat lại có thể mang về cho chủ nhân của nó hàng tỉ USD? Thậm chí còn có thể “lớn tiếng đe dọa” sự tồn vong của mạng xã hội?
Biểu trưng ngộ nghĩnh của SnapChat
SnapChat là ứng dụng mạng xã hội dùng để chia sẻ thông tin, hình ảnh, video và chỉ có 1 (hoặc một số) bạn bè trong danh sách của người dùng được gửi đến những thông tin trên mới có thể thấy chúng. Sau khi người nhận “thưởng thức” xong thông tin được gửi đến, chúng sẽ tự động “biến mất” khỏi giao diện của người được gửi.
Không có bộ lọc ảnh đẹp như Instagram, không có những tính năng đặc biệt như Facebook, song giao diện, chức năng của SnapChat đơn giản đến nỗi người dùng “không có nhiều việc để làm”, ngoài việc chụp hình, quay video, viết caption, đăng lên tường cá nhân và gửi cho bạn bè.
Ứng dụng này được đánh giá là đảm bảo tính cá nhân hóa tối đa, một giải pháp tốt, đơn giản và gần như không có rủi ro cho người dùng trong một khoảnh khắc cần chút “nổi loạn” nhưng lại lo sợ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, thiết kế của SnapChat đơn giản đến mức bất kỳ người sử dụng từ vùng văn hóa, quốc tịch, ngôn ngữ nào cũng có thể hiểu được cách sử dụng ngay lần đầu tiên tiếp cận với giao diện. Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian tối đa. Người trẻ càng ngày càng không có nhiều thời gian để “tám” những cuộc điện thoại dài hoặc trao đổi qua status Facebook. Trong hoàn cảnh ấy, một bức ảnh giá trị bằng cả ngàn câu chữ. Chia sẻ bằng ảnh là cách nhanh nhất để biết được tình hình của bạn bè, người thân với ít công sức phải bỏ ra nhất.
Ứng dụng cho phép chia sẻ hình ảnh cá nhân một cách đơn giản, nhanh chóng
CHINH PHỤC toàn cầu?
Người ta chỉ biết nhiều tới ứng dụng SnapChat sau khi Evan Spiegel từ chối lời đề nghị mua lại trị giá gần 3 tỉ USD của Facebook hồi giữa tháng 11/2013. Kế đó, chàng trai trẻ này lại tiếp tục từ chối lời đề nghị trị giá 4 tỉ USD từ Google. Hai cái lắc đầu ấy chắc hẳn không xuất phát từ sự kiêu căng, bồng bột của tuổi trẻ, mà nó chính là biểu thị của sự tự tin, rằng trong tương lai, ứng dụng này sẽ chính phục toàn thế giới - như cách mà Facebook hay Google đã và đang có được.
Vậy, Evan Spiegel là ai mà mới ngoài 20 tuổi đã có thể bản lĩnh đến thế?
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức danh tiếng tại Los Angeles, Mỹ, có cha và mẹ đều là những luật sư tài năng tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu thế giới nhưng Evan không có một tuổi thơ hồn nhiên như các bạn đồng trang lứa. Gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly hôn, để lại những chấn động tâm lý, nhưng cũng là lý do giúp cậu trở nên bản lĩnh hơn trong những cuộc đầu tư mạo hiểm sau này.
Evan Spiegel từng theo học chuyên ngành thiết kế sản phẩm tại trường đại học danh tiếng Stanford, trước khi bỏ học để cùng đàn anh Bobby Murphy, đang là sinh viên khoa toán của trường, sáng lập ra phần mềm chia sẻ ảnh riêng tư mang tên SnapChat. Ứng dụng cho phép ảnh tự động xóa sau 10 giây này ra đời từ khoảng 4 năm trước và hiện đã có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sử dụng.
Nhiều người nghi ngờ khi Evan đưa ra ý tưởng về ứng dụng tin nhắn biến mất từ một lớp học thiết kế sản phẩm vào năm 2011 - một ý tưởng tồi tệ và sẽ không ai sử dụng nó ngoại trừ mục đích nhắn tin khiêu dâm. Trong thực tế, SnapChat từng thất bại thảm hại khi mang tên gọi Picaboo. Dù vậy, Evan và Murphy vẫn tin tưởng vào ý tưởng của mình, để rồi SnapChat đã trở nên vô cùng thành công sau khi được tái phát hành.
Năm 2013, Evan có cuộc gặp gỡ với Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, tại Los Angeles, để bàn về những cơ hội phát triển của SnapChat trong tương lai. Mark đã tiết lộ với Evan về một phần mềm mà Facebook đang phát triển để cạnh tranh với SnapChat mang tên Poke, đồng thời đề nghị mua lại ứng dụng của Evan. Theo tờ
New York Times, nguyên nhân Evan từ chối Facebook là do không muốn làm việc dưới trướng của Mark Zuckerberg.
Evan Spiegel (trái) và Bobby Murphy tại đại bản doanh của SnapChat
Trong một báo cáo gần đây của Forbes, tính đến tháng 9/2014, giá trị của SnapChat đã lên tới 10 tỉ USD, trong đó Evan và Murphy mỗi người nắm giữ 15% vốn cổ phần, tương đương 1,5 tỉ USD. Công ty được dự đoán sẽ còn phát triển hơn nữa, khi có nhiều nguồn tin cho rằng, SnapChat đã chấp nhận đề nghị đầu tư nâng giá trị công ty lên 19 tỉ USD.
Mô hình kinh doanh của SnapChat vẫn còn là một điều bí ẩn. Đa phần các mạng xã hội trên thế giới đều có mô hình kinh doanh dựa trên việc phân tích hành vi người dùng để bán quảng cáo. Nhưng SnapChat lại không lưu trữ lại dữ liệu của người dùng, nên việc bán quảng cáo như những mạng xã hội thông thường khác có thể là “bất khả thi”. Vậy SnapChat sẽ sản sinh lợi nhuận bằng cách nào? Hiện chưa ai trả lời được câu hỏi này. Chỉ có điều chắc chắn là số người dùng SnapChat trên thế giới đang tăng với cấp số nhân!
|