Tình yêu của anh chồng gia trưởng

30/11/2015 - 11:48
Mọi người đều nghĩ chồng cô đâu đến nỗi nào. Cô chỉ mất tự do, bị phụ thuộc, không được làm theo ý mình một chút, chứ đâu có bị chửi bới hay đánh đập.

Bắt đầu câu chuyện, người vợ trẻ ấy đã lo ngại Thanh Tâm sau khi nghe cô ấy tâm sự cũng sẽ nghĩ như bạn bè và người thân của cô ấy. Thanh Tâm phải trấn an và khích lệ mãi, cô gái mới trải lòng mình.

 Cô vợ đã từng nhầm sự gia trưởng, áp đặt của chồng là hành động quan tâm (Ảnh minh hoạ)

Cô gái chắc chắn tính gia trưởng của chồng từ khi mang thai đứa con đầu lòng. Còn khi yêu nhau, với cô điều đó rất mơ hồ, thậm chí cô luôn nghĩ rằng đó là biểu hiện của việc người yêu quá yêu, quá chu đáo, quá quan tâm đến cô mà thôi.

Lúc hai người yêu nhau cô mới là sinh viên năm thứ hai, còn anh đã 38 tuổi, đã có căn hộ riêng, có việc làm với thu nhập cao. Bạn bè cùng học với cô khi ấy choáng ngợp, ngỡ ngàng trước sự may mắn của cô. Ban đầu họ sợ cô mắc bẫy đại gia lợi dụng, lừa tình. Khi biết chắc chắn anh còn độc thân, “lý lịch bản thân” hoàn toàn trong sáng thì họ chỉ còn biết ngưỡng mộ cô mà thôi.

Ngay sau khi nhận lời tỏ tình, cô đã được anh trang bị cho từ đầu đến chân. Và bao giờ anh cũng nói: “Anh thích em mặc cái đầm này, anh thích em dùng mầu son mày, mùi nước hoa này”… Cô như mê đi trong sự hoan hỉ và mãn nguyện nên cũng không hề nhận ra điều gì khác thường khi trước khi đi chơi đâu anh ấy dặn là phải mặc chiếc đầm này, bộ quần áo này và làm khác thì anh nhất định yêu cầu cô thay trang phục theo ý anh rồi mới đi.

Từ khi yêu anh, cô giao lưu với bạn bè ngày càng ít đi chỉ vì “anh không thích”, “anh không muốn”. Lúc đó cô lại nghĩ chắc vì yêu quá nên anh không muốn chia sẻ cô cho ai. Chỉ đến khi tiến hành đám cưới cô mới lờ mờ nhận ra “sự trái tính trái nết” của chồng sắp cưới. Lúc đó cô lại bao biện cho anh: Già rồi nên hơi lẩm cẩm. Ấy là việc cô rất thích mặc váy mầu hồng phấn trong ngày cưới. Vậy mà cô đã năn nỉ anh nhiều lần, đã khóc đến hai lần nhưng anh vẫn không hề động lòng. Anh nói váy cưới của cô là phải mầu trắng vì anh thích như thế! Việc mời người thân và bạn bè phía nhà cô ra Hà Nội dự tiệc cưới anh cũng rà soát kỹ lưỡng từng người và cô chỉ được mời trong danh sách anh đã duyệt. Anh không hề hỏi cô xem nên chọn nơi nào tổ chức đám cưới, cách tổ chức ra sao… Tất tật anh đều tự quyết. Khi ấy cô chỉ biết an ủi: Vì anh chi tiền, vì anh quan hệ rộng sẽ biết tổ chức ở nơi nào tốt, càng nhẹ người…

Khi cô thông báo có bầu, tưởng anh sẽ mừng vui, thế mà anh buông một câu gọn lỏn: “Phải thế chứ! Rồi anh sẽ mệt đây, vừa dạy con, vừa kèm vợ. Các cụ chả từng bảo: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về là gì?”. Ngày hôm sau, vào buổi tối, sau khi cơm nước xong, anh đưa cho cô một tờ A4 kín đặc hai mặt với tiêu đề: “Mẹ cần làm những gì để con ra đời khoẻ mạnh?”.

Người vợ trẻ kể với Thanh Tâm rằng đọc chưa hết mặt đầu của tờ giấy, cô đã có cảm giác ù tai, hoa mắt, chóng mặt, người nôn nao rất khó tả. Hai từ “phải” và “không được” xuất hiện từ đầu đến cuối, kèm theo là những nội dung, yêu cầu vô cùng khó. Người vợ trẻ đã rơi vào khủng hoảng tâm lý, hoang mang bất ổn ngay sau khi người chồng yêu cầu cô nghỉ việc ở nơi cô vừa được ký hợp đồng thử việc để chuẩn bị cho việc sinh nở và nuôi con nhỏ. Anh nói việc đi làm để sau sẽ tính. Khi cô cự lại: Chả lẽ phụ nữ cứ mang thai và sinh con là phải nghỉ làm việc hết sao? Thì anh nói: “Anh chỉ quan tâm đến điều anh muốn thôi!”. Và ngay ngày hôm sau, chồng cô đã lên gặp lãnh đạo nơi cô đang thử việc để chính thức xin cho cô nghỉ mà không cần cô có đồng ý hay không.

 Hôm sau anh chồng tự ý đến cơ quan vợ xin cho cô nghỉ việc (Ảnh minh hoạ)

Cô gái khóc thút thít rồi nói trong nghẹn ngào: “Điều khiến cháu ức chế đến phát điên là mọi người không thấy sự áp đặt tuyệt đối về tinh thần cũng hiểm ác không kém gì bạo hành về thể xác của chồng cháu. Cháu đã không còn là cháu kể từ khi nhận lời yêu chồng cháu. Đến giờ, như một phản xạ có điều kiện, trước khi nói câu gì, trả lời ai việc gì, cháu đều phải nhìn vào nét mặt, ánh mắt, thái độ của chồng cháu rồi mới dám lên tiếng. Kể cả qua điện thoại, bố mẹ cháu hỏi khi nào thì có thể về thăm bố mẹ, cũng phải nhìn vào cử chỉ ra hiệu của chồng mới dám trả lời.

Thanh Tâm chợt nhớ lại câu chuyện cũng của một người vợ trẻ đã tự tử ba lần không thành chỉ vì cách yêu vợ đến bệnh hoạn của chồng. Thì ra, tính gia trưởng cũng có ba bẩy đường, nhưng xem ra sự gia trưởng áp đặt nghiệt ngã về tinh thần là đáng sợ nhất!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm