Tình yêu vốn dĩ không xưa cũ

18/09/2015 - 14:12
Hôm nay, dù không còn phải sống trong thời kỳ chia cắt, nhưng mỗi khi giai điệu bài hát 'Xa khơi' ngân lên, ta lại thấy bồi hồi, xao xuyến, bởi những yêu thương, thiết tha trong trái tim, trong tấm lòng của mỗi người phụ nữ là điều không bao giờ cũ…

'Nắng tỏa chiều nay

Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi…

Bài hát 'Xa khơi' đã được mở đầu như thế. Những câu hát trữ tình mênh mang âm hưởng dân ca của vùng Trung Bộ ấy vẽ lên một bức tranh hoàng hôn tuyệt đẹp, tưởng chừng rất bình yên: Một vùng biển rộng tràn nắng với những cánh buồm thấp thoáng cuối chân trời xa xa… Nhưng khi giọng hò cất lên - giọng hò nằng nặng nhớ thương - 'thương anh' bởi sự 'cách vời' thì lòng ta chùng xuống, hiểu rằng vùng biển ấy đâu có chút bình yên. Bình yên sao được khi hiện thực 'cách vời' chia ly đang tồn tại?

Giọng hò tâm tình của người con gái cất lên trên nền nhạc đệm piano trải dài, mênh mang như ngàn lớp sóng gối đầu lên nhau, chất chồng thương nhớ nghe khắc khoải và xa xót đến bàng hoàng:

'Nắng tỏa chiều nay

Thuyền về mái động chiều nay

Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ

Nhớ thương anh ơi…'


Ca sĩ Anh Thơ thể hiện rất thành công ca khúc này

Phương Nam đấy, chân trời đấy, những cánh buồm thân thương đấy nhưng sao chẳng thể kéo gần lại về phương em, để rồi cất lên tiếng gọi 'Nhớ thương anh ơi' vọng lên từ đáy lòng thổn thức, xoáy sâu vào gan ruột người nghe, thắp lên trong nhau khát vọng về sự nối liền, sum vầy:

Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ..

Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ

Nhịp và giọng điệu của câu hát phút chốc bỗng thay đổi đột ngột, nhanh, mạnh và gấp gáp tựa những nhịp chèo hối hả đang được thúc giục xa khơi bởi một khát vọng sục sôi và bừng cháy trong tim: 'Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền, Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền', xóa nhòa đi khoảng cách của sự chia ly…

Một bức tranh tương phản đầy ấn tượng: Người con gái bé nhỏ giữa mênh mông biển trời khi xa khơi, nhưng sức mạnh, nghị lực trong lòng cô lại không hề đơn giản chút nào. Nó kết thành bè khối, thành con sóng của tình yêu, khao khát và niềm tin, sẵn sàng và kiên gan vượt qua bom rơi đạn nổ để đi đến ngày sum vầy, đoàn tụ…

Niềm tin ấy, tình yêu ấy thắp lên trong lòng cô gái, và rồi được kết nối, theo nhịp ru của 'Biển dập dìu, biển tâm tình' mà tỏa lan, gửi về bên kia vĩ tuyến, nói cùng nhau về một sự bền gan vững chí đồng lòng từ 'lời sóng cả' hẹn ngày 'ta chung lứa đôi'

Ca khúc 'Xa khơi' được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác năm 1962, được coi là một trong những bài hát hay nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Tiếng piano của nhạc đệm dồn lên theo giọng nữ vút cao và dồn dập của người ca sĩ khiến người nghe chộn rộn, náo nức, ngỡ lòng mình cũng đang dậy sóng, thôi thúc mình cũng cần phải “xa khơi”, hòa theo, kết nối sức mạnh, chung tay góp sức để gắn kết đôi bờ:

“Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ

Phong ba sóng cồn lòng ta luôn mong chờ…

Một chuỗi những động từ mạnh lướt, xô, cồn thể hiện điều kỳ diệu của sức mạnh khi được kết nối, sự cháy bỏng, cồn cào của khát khao khi được 'kề vai bên nhau' hòa nhịp vượt qua 'nắng biển','mưa nguồn', để đến với một mục đích, một ước mong không đổi trong đời - ấy là sự gắn kết. Nhưng thực tại vẫn là chia cắt, người con gái gửi theo trăm ngàn con sóng xô ngoài khơi xa cho nguôi ngoai đi niềm thương nhớ:

“ Biển ơi …

Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay

Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay...

Những câu hát, những tiếng gọi lặp đi lặp lại, da diết trong niềm khắc khoải đã làm lay động hàng triệu trái tim của đồng bào hai miền Nam Bắc, thắp lên khát vọng và niềm tin thống nhất… 'Xa khơi' nhắc ta nhớ về một thời kỳ mưa bom lửa đạn, vẽ lên trong ta bức tranh đầy nhớ thương của những người mẹ, người vợ ngóng chờ người phương xa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm