Là mô hình được thành lập dựa trên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó khi thực hiện mô hình, các hộ cũng tận dụng được nguồn đất trống, nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi giúp tăng thêm thu nhập gia đình.
Đến nay, số thành viên của Tổ đã lên tới 40 người so với 29 người khi mới thành lập. Tổ được thành lập vào tháng 8.2014 và nhận nguồn vốn hỗ trợ từ TW Hội LHPNVN với số tiền 150 triệu đồng trong đó đa phần để đầu tư nâng cấp, sửa chữa chuồng trại và mua con giống. Bên cạnh đó còn có nguồn hỗ trợ từ hội LHPN tỉnh để các chị an tâm phát triển.
Với nguồn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, tính đến nay có 30/40 thành viên được nhận nguồn vốn vay. Có hộ vay lần 2 lần 3 với số vốn vay hỗ trợ lên 10 triệu đồng/ hộ. Ước tính nguồn vốn hỗ trợ đến hết tháng 6 năm nay cho tổ lên tới 360 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ còn có hình thức xoay vòng vốn, mỗi tháng hỗ trợ 7 chị (1 triệu đồng/chị) vốn mua thức ăn cho gà.
Kể từ sau khi thành lập, các thành viên trong Tổ hợp tác cũng có việc chăn nuôi ổn định và có điều kiện mở rộng qui mô chăn nuôi tại gia đình. Hiện tổ có 2 máy ấp trứng, 5 máy thái thức ăn cho gà đa phần do hộ dân tự chế để việc chăn nuôi thêm thuận lợi. Mỗi tháng tổ sản xuất trung bình 200 gà con giống để cung cấp cho thành viên và người chăn nuôi ở địa phương với giá trung bình 17.000 đồng/con. Sau 3 đến 4 tháng chăn nuôi gà đủ trọng lượng xuất chuồng và mang đến thu nhập thêm cho các hộ. Giá bán gà dao động từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Theo ước tính trung bình chung, sau mỗi đợt xuất gà mỗi hộ lãi từ 4 đến 5 triệu đồng.
Chị Châu (trái) có thêm thu nhập ổn định nhờ nuôi gà thả vườn |
Chị Bùi Thị Kim Châu, ấp Hội Thạnh, hiện có 200 con gà đang nuôi thịt. Chị tham gia tổ hợp tác 2 năm và có nhận nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư nâng cấp chuồng trại để việc chăn nuôi đảm bảo hơn so với nuôi thả rong như trước đây, chị không còn sợ mưa gió như trước. Trước đó, chị Châu cũng đã thử nuôi gà tăng thêm thu nhập, chị chọn nuôi gà ta thả vườn vì sẽ dễ bán. Chị Châu cho biết: “Trước đây, nuôi gà mỗi lúc cần tiền cám cho gà phải tự xoay, mình phải đi mượn tiền với lãi cao. Sau khi tham gia tổ hợp tác cũng nhận được vốn hỗ trợ hay hoạt động xoay vòng vốn cũng đỡ lo chi phí hơn.”
Chị Nguyễn Thị Phận, ngụ Tổ 28, ấp Hội Thạnh, tham gia tổ hợp tác 2 năm, chị cho biết rằng khi tham gia tổ hợp tác, cũng có nhiều thuận lợi với chị em. Tại đây chị em có thể cùng chia sẽ khó khăn về vốn, giúp việc chăn nuôi cũng thuận lợi hơn trước nhiều. Theo chị Phận, nuôi gà là kinh tế phụ thêm khi chị tận dụng thời gian rảnh để nuôi thêm vài chục con gà kiếm thêm thu nhập. Chị Phận cho biết: “Khi tham gia tổ hợp tác, tôi cũng được hỗ trợ kỹ thuật để chăn nuôi để nuôi gà hiệu quả hơn trước đây.”
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: trước đây, chị và nhiều chị em tham gia lớp học nghề tại địa phương rồi sau đó chị vận động chị em tham gia tổ hợp tác để hoạt động hiệu quả, ổn định hơn với cách nuôi thả tự do khi đó. Kiến thức học từ các lớp dạy nghề đã giúp các chị tự tin hơn trong chăn nuôi để hạn chế thất thoát. Qua đó, những phụ nữ nông dân này biết cách nhận biết gà bệnh để chữa kịp thời, biết nuôi gà bằng đệm sinh học... Hiện tại, trong các thành viên tổ hợp tác, cũng có xảy ra tình hình dịch bệnh tuy nhiên do có kiến thức nên các chị đã xử lý kịp thời giảm nhiều tổn thất do dịch bệnh như trước đây.
Chị Dung vui vẻ cho biết: “Sau 3 năm tham gia tổ hợp tác, nhiều chị em đã cải thiện hơn kinh tế gia đình nhờ thu nhập từ nuôi gà. Chúng tôi cũng không lo ngại đầu ra mỗi đợt xuất gà, vì gà có nguồn gốc và nuôi hình thức thả vườn nên được thị trường ưa chuộng. Hiện chúng tôi có thể bán gà tại chợ, hay các đầu mối đám tiệc ở địa phương và các vùng lân cận. Sau mỗi đợt gà đều được tiêu thụ hết cho chị em không bị ùn ứ.”