Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm VietGAP

31/05/2016 - 12:00
Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ hợp tác đã đưa giống cây mới vào trồng và bước đầu đạt được những hiệu quả đáng khích lệ...

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Cây lúa chỉ sản xuất được từ 1-2 vụ/năm, năng suất khoảng 4,5 tấn trên ha và khó có thể nâng cao hơn; chăn nuôi heo cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Vài năm gần đây, người dân đã chủ động, sáng tạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện cũng như xu thế tác động của biến đổi khí hậu trên đại bàn.

Cây trồng đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát. Qua nhiều năm “bén rễ” trên vùng đất khắc nghiệt, cây mãng cầu Xiêm đã khẳng định vị trí hàng đầu, là cây ăn trái đặc sản của huyện cù lao, đã tạo được tiếng vang trong và ngoài tỉnh. Trước đây các hộ dân tự sản xuất nên khi thu hoạch năng suất thấp, giá bán không được cao do bị thương lái ép giá từ đó làm cho hộ dân không có lãi nhiều. Chính quyền và các ngành chức năng xúc tiến thành lập mô hình Tổ hợp tác mãng cầu xiêm Tân Phú có Ban điều hành gồm 3 người: 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm và 1 thư ký và 30 nhà vườn trồng mãng cầu xiêm. Tổng diện tích sản xuất cây mãng cầu xiêm của tổ hợp tác là 20 ha. Địa bàn huyện không thành lập được Hợp tác xã mãng cầu xiêm do thành viên tham gia ban đầu ít, vốn đầu tư ban đầu chưa nhiều, kinh nghiệm chưa có chỉ hoạt động theo mô hình nhỏ, dần dần mô hình hoạt động có hiệu quả, có kinh nghiệm, thu hút được nhiều thành viên gia nhập, vốn đầu tư cao thì mới nâng lên thành Hợp tác xã.

 Chăm sóc cây mãng cầu
Mô hình sản xuất mãng cầu xiêm theo VietGAP của Tổ hợp tác là một trong những sản phẩm của chủ đề “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, và xây dựng mô hình VietGAP trên mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, Tiền Giang” do sở khoa học và Công nghệ Tiền Giang quản lý và được Viện cây ăn quả miền nam chủ trì. Các thành viên trong tổ được tập huấn về kỹ thuật sản xuất mãng cầu xiêm: giống, canh tác, thu hoạch và bảo quản, đào tạo cán bộ quản lý cho tổ hợp tác, cách ghi sổ sách nhật ký và cách xây dựng các cơ sở hạ tầngtrong sản xuất mãng cầu xiêm VietGAP, tập huấn cho nhà vườn trồng cây mãng cầu xiêm về cách sử dụng thuốc bào vệ thực vật, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và các biện pháp đảm bảo an toàn, tập huấn về thông tin, thị trường giá cả nhu cầu và dự báo cây mãng cầu xiêm…

Hiệu quả của mô hình tổ hợp tác mãng cầu xiêm: Khi tham gia vào tổ hợp tác các thành viên nhận thấy được nhiều lợi ích phù hợp như được sự quan tâm, sáng tạo của từng thành viên, được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây mãng cầu xiêm, cách chọn giống cây cho phù hợp…. từ đó thu hoạch năng suất tăng lên đáng kể so với những hộ không có tham gia Tổ hợp tác, bình quân 1000m2 hàng năm thành viên thu hoạch được 4,5 tấn  quả. Nếu giá bán từ 15.000đồng – 20.000đồng/kg tùy theo thời điểm, thành viên thu khoảng 70 triệu đồng/năm, trừ đi chi phí thì thành viên còn lãi khoảng 40 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những thuận lợi như: Tất cả diện tích mãng cầu xiêm áp dụng phương thức sản xuất theo mô hình VietGap đều đang trong độ tuổi sung sức, nằm trong vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản của địa phương, quá trình thực hiện được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật và chủ nhiệm đề tài. Tổ hợp tác được sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã, ấp và sự đồng thuận của tổ viên.

 Mãng cầu được thị trường chấp nhận

Để tổ hợp tác mãng cầu xiêm nói riêng, Hợp tác xã kiểu mới nói chung hoạt động ngày càng có hiệu quả ban chủ nhiệm phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho tổ hợp tác, Hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn đủ để đầu tư vào hạ tầng, xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, bao bì… Tổ hợp tác, Hợp tác xã mua chung máy móc, trang thiết bị để dùng chung sẽ giảm được chi phí đầu tư tăng lợi nhuận cho nông dân. Đối với những hộ riêng lẽ sẽ khó tiếp cận thị trường hơn so với Hợp tác xã bởi vì tổ hợp tác, Hợp tác xã có lượng lớn sản phẩm của thành viên tạo ra để xây dựng nên thương hiệu. Tuy nhiên việc phát triển  tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới vẫn còn gặp khó khăn do sự nhận thức của người dân chưa cao, khả năng ứng dụng công nghệ vẫn còn hạn chế. Để nhân rộng được mô hình hợp tác xã kiểu mới cần phải giúp cho nông dân hiểu được quyền và lợi ích, nghĩa vụ của mình khi tham gia Hợp tác xã, chủ nhiệm Hợp tác xã phải có kinh nghiệm dày dặn. Để làm được điều này cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong hộ dân để họ nắm rõ hơn về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ khi tham gia Hợp tác xã, quan trọng là hợp tác xã phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, hoặc tạo được thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hợp tác xã cần xác định lấy thành viên nòng cốt làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, điều quan trọng nhất là phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác lãnh, chỉ đạo. Bởi nếu như không được sự quan tâm của chính quyền thì Hợp tác xã cũng không thể phát triển được. Khi hợp tác xã hoạt động vững chắc thì dễ dàng thu hút được thành viên tham gia và giúp cho hợp tác xã có lợi nhuận càng cao, hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm