pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tố tụng hình sự thân thiện: Quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong các vụ án xâm hại trẻ em
Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong các vụ án xâm hại trẻ em. Ảnh minh họa
Bức xúc của người bảo vệ trẻ em
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo PNVN, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, bức xúc khi thông báo có trường hợp bé gái bị xâm hại được điều tra viên lấy lời khai tới khuya, khi đã 23h. "Đây không phải là vụ việc vừa xảy ra, vậy nhưng không rõ vì sao cơ quan điều tra lại kéo dài thời gian làm việc với trẻ như vậy. Tạo áp lực mệt mỏi với thể chất và tinh thần của trẻ em là không thể chấp nhận được", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đưa ý kiến.
Tại thông tư 43/2021/TT-BCA, Bộ Công an đã đưa ra Điều 20 để quy định về việc lấy lời khai, tiến hành một số hoạt động tố tụng đối với bị hại là người dưới 18 tuổi. Theo đó, việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi lao động, nơi sinh hoạt của người đó hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em. Điều tra viên, cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Quan trọng nhất là địa phương nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể thực hiện việc lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.
Điều tra viên, cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Điều tra viên, cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục CAND.
Trước khi lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi, Cơ quan điều tra phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi.
Cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan LĐTB&XH, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác có hiểu biết về tâm lý học, có kinh nghiệm có mặt khi lấy lời khai hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng khác đối với bị hại là người dưới 18 tuổi để hỗ trợ cho họ.
Văn minh và thân thiện tối đa với nạn nhân
Trong nhiều bài điều tra, phản ánh đăng tải trên Báo Phụ Nữ Việt Nam, chúng tôi đã nhắc tới vấn đề trẻ em trở thành "nạn nhân kép" trong các vụ việc người lớn có xu hướng đổ lỗi cho trẻ. Với tư duy "trấn áp", người lớn cho rằng vì trẻ hư, vì trẻ không nghe lời... nên mới là nguyên nhân dẫn tới hậu quả. Cách hành xử đó cần được những người có trách nhiệm để tâm sâu sát và cương quyết trừ bỏ. Nếu không, các vụ việc sẽ không được xử lý, bị chìm đi theo thời gian.
Tại thông tư 43/2021/TT-BCA, Bộ Công an cũng đã rất lưu tâm nên có những hướng dẫn chi tiết hơn. Theo đó, trước khi tiến hành lấy lời khai, điều tra viên, cán bộ điều tra cần thiết tạo một khoảng thời gian tiếp xúc thân thiện, nhẹ nhàng với bị hại là người dưới 18 tuổi, tạo dựng tâm thế giao tiếp ổn định về mặt tâm lý, hạn chế việc lấy lời khai, khai thác thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc ngay lập tức.
Thông tư quy định cơ quan điều tra cần căn cứ vào các đặc điểm riêng biệt như độ tuổi, giới tính, đặc điểm tính cách của bị hại, hoàn cảnh gia đình, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của bị hại là người dưới 18 tuổi và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ.
Việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ. Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai bị hại của người dưới 18 tuổi, việc xem xét dấu vết trên thân thể, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình có âm thanh phải theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và phải đảm bảo không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.
Cùng với đó, Cơ quan điều tra phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm hại tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Thông tư 43/2021/TT-BCA khẳng định, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát Hình sự, Cục An ninh điều tra Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thông tư này.