Luật và Đời

Tọa đàm “Cha dượng lạm dụng con riêng của vợ: Làm gì để ngăn chặn?”

Nhóm PV 01/03/2021 - 10:19 PM
Thời gian qua, hàng loạt vụ cha dượng xâm hại con riêng của vợ đã bị phanh phui. Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm “cha dượng xâm hại con riêng của vợ”, xuất hiện hơn 3,2 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,53 giây. Đó không còn là vấn đề của một gia đình, không chỉ là số phận của một đứa trẻ mà đó là một việc sai cần lên án, cần được xử lý nghiêm minh và cần tìm cách chấm dứt.

Người mẹ cần làm gì?

Trước thực trạng đó, Báo PNVN đã tổ chức buổi tọa đàm "Cha dượng lạm dụng con riêng của vợ: Làm gì để ngăn chặn?". Bàn về vấn đề trẻ bị chính cha dượng xâm hại, các đại biểu tham dự tọa đàm đều chung nhận định, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này thì vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng, khi hạnh phúc tan vỡ, bố mẹ thường sẽ đi tìm hạnh phúc mới. Trong các trường hợp đó, trẻ em luôn là người thiệt thòi. Đặc biệt, nếu bé phải sống với cha dượng vô tâm, thậm chí là có những hành vi không đúng mực, lạm dụng con riêng của vợ.

"Chúng tôi cho rằng, ngay trong gia đình, người mẹ phải lựa chọn người chồng tiếp theo của mình ra sao, có tốt hay không, có quan tâm đến con cái hay không? Điều này người mẹ phải cân nhắc khi quyết định đón họ về sống chung với mẹ con mình. Thứ hai là phải theo sát con mình như thế nào? Nếu có những biểu hiện gì thì người mẹ phải là người dũng cảm lên tiếng để bảo vệ con em của mình", bà Ninh Thị Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, trong cuộc sống hàng ngày, người mẹ phải dành thời gian cho con, hàng ngày tiếp xúc với con, trò chuyện và lắng nghe những điều con nói. Xem con có biểu hiện gì khác không? Con có học sút, có buồn, khóc không? Nếu mẹ chú ý và phát hiện ra những biểu hiện bất thường của con sớm, có thể sẽ ngăn ngừa được rất nhiều vụ đau lòng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cũng coi trọng vai trò của người mẹ trong trường hợp này. Theo luật sư Cường, trong gia đình có cha dượng, người mẹ phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe và tâm lý cho con riêng của mình. Mẹ phải là chỗ tin tưởng nhất để con gái có thể chia sẻ, tâm sự những vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, trên thực tế có rất ít vụ xảy ra ngay hành vi cha dượng cưỡng bức con riêng của vợ. Thông thường, đó là một hành trình dài, bắt đầu từ những cử chỉ, hành vi, biểu hiện của người đàn ông này với con riêng của vợ. Nếu người mẹ tâm lý, nhạy cảm và gần gũi với con thì có thể nhận biết được điều này, từ đó có những hành động ngăn chặn kịp thời.

Mặt khác, khi sự việc xảy ra một lần thì sẽ không dừng lại ở con số đó. Gã cha dượng đồi bại sẽ tìm mọi cách để tiếp tục thực hiện hành vi ở những lần khác. Lúc này, vai trò của người mẹ cũng rất quan trọng để bảo vệ con, đấu tranh với các hành vi sai trái đó.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó trưởng Ban Gia đình Xã hội (TƯ Hội LHPN Việt Nam ) - cho rằng, người phụ nữ cần phải xác định được vai trò của mình đối với con. Người mẹ cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức, đặc biệt là kiến thức về giới tính.

Từ đó, mẹ cũng trang bị kỹ năng cho con, giáo dục giới tính cho con để con có thể ứng phó trước những nguy cơ có thể xâm hại tới mình. Ví dụ giúp con nhận biết được dấu hiệu, hành vi xâm hại. Giúp con biết được những hành vi nào là không được phép với mình. Những hành vi đó dù từ ai, người thân trong gia đình hay người ngoài đều không được phép.

"Thực tế thì nhiều phụ nữ khó nói lên điều đó nhưng dạy con các cách nhận biết những hành vi không được phép đối với mình là vô cùng quan trọng", bà Kim Oanh nói.

Tọa đàm “Cha dượng lạm dụng con riêng của vợ: Làm gì để ngăn chặn?” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngăn chặn, đấu tranh như thế nào?

Theo bà Ninh Thị Hồng, khi xảy ra sự việc, Hội Phụ nữ các cấp, những người hàng xóm thân thiết khi ở bên cạnh những gia đình kiểu "rổ rá cạp lại" cần phải quan tâm hơn, nhất là gia đình có con gái trong độ tuổi đang phát triển.

Khi phát hiện ra sự việc, người mẹ phải đặt lợi ích, sự an toàn của con mình lên hàng đầu chứ không phải che giấu hành vi xấu xa của bố dượng.

Bà Hồng lấy ví dụ, vụ cháu bé bị cha dượng xâm hại ở Lào Cai, người mẹ của cháu rất cương quyết. Mặc dù tòa án thành phố Lào Cai đã xử gã cha dượng này 5 năm tù về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, người mẹ không đồng tình "hành vi của anh ta là hiếp dâm con gái tôi chứ không chỉ dâm ô". Sự kiên quyết của người mẹ cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng cuối cùng đã lột trần bản chất sự việc. Gã cha dượng đồi bại ấy phải trả giá với 17 năm tù. "Người mẹ, người biết sự việc phải dũng cảm lên tiếng, mình phải trừng trị kẻ phạm tội để nó không có cơ hội có thể tiếp xúc với những trẻ em khác", Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.

Đề cập đến vấn đề khi sự việc xảy ra, con sẽ nói với ai? Bà Hồng cho rằng, khi đó con sẽ nói với người mà con tin tưởng nhất. Người đó có thể là ông, bà, là hàng xóm, thậm chí là thầy cô giáo ở trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, khi xảy ra việc cha dượng lạm dụng con riêng thì người phụ nữ phải chịu nỗi đau kép. Người chồng lại đi xâm hại chính con gái của mình. Dù đau khổ nhưng chị em phụ nữ đủ kiến thức để hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đó cần xử lý, trừng trị thay vì che giấu. Chị em đủ mạnh mẽ để lên tiếng.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm, việc phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em là rất quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này. Theo luật sư, khi phát hiện sự việc, nhiều người mẹ lại sợ xấu hổ, sợ con bị tổn thương hơn nên đã chọn cách im lặng, không lựa chọn tố cáo ra pháp luật. Điều đó khiến việc xử lý các hành vi trên khá khó khăn.

Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị xâm hại tình dục thì thì cần kiểm tra lại thông tin. Tạo sự tin tưởng để các cháu chia sẻ, giãy bày sự việc rõ hơn. Trong quá trình đó, cần động viên tâm lý để tổn thương của cháu được giảm nhẹ nhất. Đặc biệt, cần kịp thời thu giữ các chứng cứ, chuẩn bị các tình huống làm cơ sở tố cáo kẻ phạm tội.

Mặt khác, cũng cần cân nhắc việc chia sẻ thông tin này với ai, ai có thể chia sẻ việc này với mình để tránh việc đối tượng biết sự việc sẽ tìm cách che giấu hành vi phạm tội, xóa sạch chứng cứ. Thậm chí tránh việc đối tượng điên cuồng chống trả, giết người nhằm bịt đầu mối.

Nếu chưa rõ thủ tục tiến hành thì người thân các em có thể tìm đến các chuyên gia pháp lý, luật sư, tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, hội phụ nữ… để được tư vấn, hướng dẫn. Sau khi chuẩn bị tâm lý, chứng cứ thì ngay lập tức trình báo với cơ quan chức năng.

Cùng với việc trình báo thì cần phải đề nghị cơ quan chức năng thu thập chứng cứ sớm, giám định pháp y tình dục để có thể có bằng chứng hợp pháp nhằm xử lý đối tượng có hành vi vi phạm.

Nếu sau khi trình báo sự việc mà cơ quan chức năng chậm xử lý, gọi lên Tổng đài 111, báo cho tổ chức bảo vệ trẻ em, Hội LHPN, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để nhờ sự giúp đỡ.

Cần phân loại nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại


Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần có cơ chế phối hợp, cần có sự liên hệ liên lạc giữa các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em. Phân loại nhóm trẻ em yếu thế có nguy cơ bị xâm hại. Ví dụ, mỗi địa bàn cần nắm được có bao nhiêu trẻ em gái đang sống cùng mẹ và cha dượng? Sống trong các hoàn cảnh đặc thù dễ bị xâm hại (như bố mẹ làm ăn xa, ở nhà với ông bà đã già). Các bé đang sống trong tình trạng như thế nào? Đã được trang bị các kỹ năng, kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục hay không?...

Những địa chỉ tin cậy


Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em như: Ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp hội hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; Ký kết các văn bản phối hợp với Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao trong vấn đề phòng, chống, xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Đối với các vụ việc cụ thể, khi nhận được thông tin, TƯ Hội sẽ chỉ đạo các cấp cơ sở kịp thời nắm bắt vụ việc, hỗ trợ nạn nhân và gia đình; gồm hỗ trợ tâm lý, pháp lý, đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân và gia đình.


Đặc biệt, Hội có các mô hình cụ thể để hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em như địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và Ngôi nhà bình yên… sẵn sàng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ ban đầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn