Toàn cảnh ra đời và tấn công người của virus Zika

07/04/2016 - 16:25
Virus Zika đã lan rộng trên 62 quốc gia. Việt Nam mới ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên tại Khánh Hòa và TPHCM. Trên thực tế, loài virus này đã được phát hiện từ năm 1947 ở loài khỉ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 1947, khi các nhà khoa học theo dõi tình trạng bệnh sốt vàng trong rừng Uganda và cô lập được một loại virus ở loài khỉ. Lúc đó, các nhà khoa học chưa đặt tên cho loại virus mới này. Đến năm 1948, virus được tìm thấy từ muỗi Aedes africanus, bắt được trong rừng Zika. Kể từ đó, loài virus này được đặt tên là Zika.

- Năm 1952, nghiên cứu đầu tiên ghi nhận một số người sống tại Uganda và Tanzania có kháng thể trung hòa virus Zika trong huyết thanh. Điều này chứng tỏ họ từng nhiễm Zika.

- Giai đoạn 1969-1983, Zika xuất hiện tại châu Á, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Pakistan. Cũng như ở châu Phi, các trường hợp nhiễm bệnh này đều biểu hiện với các triệu chứng nhẹ, khiến không ai để ý và đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của loại virus trên.

- Đến năm 2007, virus Zika lây lan mạnh ở châu Á, tạo nên những ổ dịch lớn ở người tại đảo Thái Bình Dương của Yap, thuộc Liên bang Micronesia. Các nhà nghiên cứu dịch tễ học đã tìm cách ngăn chặn bằng việc kiểm soát từng căn nhà trên hòn đảo. Kết quả, đã có 185 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika trong tổng số 11.250 người dân.
africa-zika-timeline.jpg
  Bản đồ về lịch sử lây lan của virus Zika từ 1947 đến 2015: Ảnh WHO.
- Trong giai đoạn 2013-2014, virus Zika tiếp tục gây dịch tại 4 địa điểm trên hòn đảo Thái Bình Dương là Polynesia thuộc Pháp, Đảo Phục sinh, quần đảo Cook và New Caledonia. Đáng lưu ý là dịch ở Polynesia, có đến hàng nghìn người nghi bị nhiễm Zika, trong đó nhiều người bị hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh (Guillain Barre). Bệnh gây suy yếu hoặc tê buốt ở 2 chân, sau đó lan truyền tới 2 cánh tay và phần trên cơ thể. Những triệu chứng này có thể gia tăng cho đến khi người bệnh gần như liệt hoàn toàn.

- Ngày 2/3/2015, Bộ Y tế Brazil thông báo về căn bệnh lạ, đặc trưng bởi triệu chứng phát ban trên da xuất hiện ở miền Đông Bắc nước này. Từ tháng 2/2015 đến 29/4/2015, đã có gần 7.000 trường hợp bệnh nhân trong vùng này bị phát ban dưới da, tất cả trường hợp đều nhẹ, không có ca tử vong. Các nhà chức trách đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 425 trường hợp, kết quả, có 13% dương tính với sốt xuất huyết. Các thử nghiệm về chikungunya, sởi, rubella, parvovirus B19 và enterovirus đều được thực hiện, nhưng không có bất kỳ xét nghiệm Zika nào được tiến hành.
virus-zika-bng-pht-chu-m.jpg
 Bản đồ thể hiện virus Zika bùng phát ở châu Mỹ trong giai đoạn 2015-2016. Ảnh: WHO.
Bệnh do virus Zika chưa được coi là nguy hiểm, cho tới khi các nhà khoa học Brazil đưa ra cảnh báo về sự gia tăng tình trạng dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hội chứng đầu nhỏ được nhắc đến lần đầu tiên khi một bà mẹ Brazil nhiễm virus Zika sinh ra con bị bệnh đầu nhỏ. Bệnh gồm nhiều triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người như động kinh, đầu nhỏ, trán dốc, lùn, chi ngắn, phát ngôn và vận động chậm, trì trệ trí tuệ, loạn động vùng mặt, tăng động bất thường.
hi-chng-u-nh.JPG
 Di chứng của virus Zika trên trẻ sơ sinh. Ảnh: Minh Đức.
Đến nay Brazil đã ghi nhận ít nhất hơn 6.700 trường hợp em bé bị chứng đầu nhỏ. Dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện khi thai nhi còn trong bụng mẹ hoặc vài năm sau sinh. Ngày 1/2/2016 vừa qua, WHO chính thức đưa ra tuyên bố về việc có liên quan đáng kể giữa nhiễm virus Zika với hội chứng đầu nhỏ và các rối loạn thần kinh khác, tạo thành một vấn đề Y tế công cộng khẩn cấp cần sự quan tâm quốc tế.

Dịch bệnh do virus Zika bắt đầu từ tháng 4/2015 tại Brazil và đã bùng phát trên diện rộng nhất trong lịch sử. Dịch đang hoành hành ở châu Mỹ Latin, không ngừng lan sang các nước khác ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng biển Carribe. Đến nay đã có 62 quốc gia ghi nhận dịch. Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa ghi nhận 2 ca nhiễm virus đầu tiên tại Việt Nam, trong đó 1 ca tại TPHCM là thai phụ (33 tuổi) đang mang bầu 8 tuần, ca nhiễm còn lại là cụ bà 64 tuổi tại khánh Hòa.

Khó khăn nhất hiện nay là phần lớn ca nhiễm Zika không có triệu chứng khiến việc ước tính số người nhiễm khó khăn và không chính xác. Đặc biệt, tình trạng nhiễm virus này ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barré.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải thai phụ nào nhiễm virus Zika cũng sinh con đầu nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% thai phụ nhiễm virus Zika sinh con ra bị dị tật này. Còn theo Bộ Y tế Việt Nam, người dân không nên hoang mang, vì ngay cả trong thời kỳ 3 tháng đầu mang thai, không phải thai phụ nào nhiễm virus Zika cũng đều sinh con bị dị tật đầu nhỏ.

Để phòng bệnh, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); người đến hoặc về từ vùng có dịch bệnh do virus zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện sốt, phải đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm