pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tôi hạnh phúc khi các gia đình tới những đêm diễn của Bức Tường"

Khán giả trong đêm nhạc của Bức Tường. Ảnh: Hồ Minh
+ Năm 2025, Bức Tường đón tuổi 30. Với anh, dấu mốc này có gì đặc biệt?
Ba thập kỷ có thể không dài trong cuộc đời mỗi người nhưng đối với một ban nhạc, đó thực sự là một cột mốc đáng nhớ. Tôi biết ơn khi Bức Tường luôn nhận được tình cảm của các thế hệ khán giả.
Họ không chỉ xem chúng tôi là một ban nhạc yêu thích mà còn là một người bạn, người đồng hành và hơn thế nữa. Chặng đường đi qua trải không ít hoa hồng nhưng cũng không ít "mũi gai" - như cách anh Trần Lập đã viết. Nhưng đam mê và tình yêu quá lớn đã giữ chúng tôi lại bên nhau tới hiện tại.
+ Trong khi nhiều ban nhạc hợp tan, điều gì đã khiến anh và các thành viên của Bức Tường gắn bó lâu tới vậy?
Trong bài hát "Ta sẽ trở lại", tôi từng viết: "Cần tìm lại mình từ đam mê, tìm về hành trình từ những say mê khi ta bắt đầu. Con tim yêu thương cùng dòng máu nóng, ta sẽ trở lại". Mỗi khi đối mặt với khó khăn, chúng tôi luôn coi đó chỉ là trở ngại nhất thời và nỗ lực tìm ra nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh, giúp bộ máy sớm vận hành trở lại.
Điều quan trọng là sự đồng lòng cùng đam mê và khát vọng của tất cả các thành viên. Phía trước chúng tôi vẫn còn rất nhiều mục tiêu để chinh phục.
+ Đêm nhạc "We Are The Wall - 30 năm Bức Tường" tại Hà Nội vừa qua thu hút đông đảo khán giả, trong đó có không ít bạn trẻ thuộc thế hệ Z. Anh có bất ngờ về tình cảm của những người trẻ dành cho ban nhạc?
Tôi không bất ngờ bởi trong các show diễn trước đó, Bức Tường đã từng "gặp" rất nhiều khán giả trẻ như vậy. Các bạn ấy thuộc lòng nhiều ca khúc cả mới và cũ của chúng tôi. Dù ở tuổi đôi mươi nhưng họ có điểm chung giống khán giả các thế hệ trước, đó là văn minh và nhiệt huyết.

Guitarist Trần Tuấn Hùng
Không ít người hâm mộ cũng tiết lộ, nhờ có âm nhạc của Bức Tường, họ thay đổi tư duy, cách sống. Đó cũng là điều tôi tự hào về những gì Bức Tường đã làm được suốt 30 năm qua. Mọi người coi âm nhạc của Bức Tường giống như một người bạn để có thể dựa vào, tâm sự, giúp họ mạnh mẽ hơn, vượt qua được những khó khăn và có thể thay đổi bản thân.
+ Anh từng nói rằng, thu nhập từ rock không đủ để mình làm gì. Những năm gần đây, khi đời sống âm nhạc thay đổi, điều này có khác đi?
Ở Việt Nam, người ta không nghĩ việc chơi rock có thể kiếm sống. Nhạc rock không phải là lựa chọn của số đông và các nhãn hàng, đặc biệt chi phí để vận hành một ban nhạc rock rất lớn. Ngoài lý do đông thành viên, hệ thống thiết bị nhạc cụ cũng tốn nhiều chi phí.
Vì thế, cát-xê nhận về khi đi diễn sẽ phải phân bổ cho nhiều hạng mục, không chỉ đảm bảo cho các thành viên mà còn phải duy trì được chất lượng của nhạc cụ. Tôi vẫn nghĩ, so với trước đây, đời sống ban nhạc rock đã khá hơn nhiều.
Tôi cảm thấy những thành quả, hoạt động của mình đã có những nhìn nhận một cách xứng đáng.
+ Sau 3 thập kỷ tồn tại, anh có sợ âm nhạc Bức Tường sẽ bị lặp lại theo thời gian không?
Tôi chỉ sợ lặp lại điều dở và sợ đem tới sản phẩm ít cảm xúc. Điều khiến chúng tôi thật sự vui khi nhiều khán giả nói các tác phẩm mới của Bức Tường "mới mẻ, trẻ trung nhưng vẫn rất Bức Tường".
+ Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bức Tường là một trong những ban nhạc rock có sức ảnh hưởng lớn trong làng nhạc Việt Nam. Thành lập năm 1995 tại Đại học Xây dựng Hà Nội, ban nhạc nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả với những ca khúc đầy ý nghĩa về khát vọng, tình yêu và sức mạnh vượt qua nghịch cảnh. Những bài hát như: "Đường đến ngày vinh quang", "Bông hồng thủy tinh", "Tâm hồn của đá" đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ và niềm tin trong âm nhạc Việt Nam.