Mới đây nhất nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn Chung (17 tuổi, ở Thái Bình). Trước đó, bệnh nhân giẫm phải đinh trong khi đi đá bóng. Thấy vết thương nhỏ nên Chung chỉ rửa chân qua loa. Khoảng 5 ngày sau đó, bệnh nhân có biểu hiện đau cổ, gáy, cứng hàm, co giật nên gia đình đưa Chung đến BV tại địa phương rồi chuyển tiếp lên BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Sau gần 10 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tăng trương lực cơ, toàn thân co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao. Vì thế, các bác sĩ quyết định mở khí quản để bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, do bội nhiễm phổi nên việc điều trị phức tạp, thời gian nằm viện của bệnh nhân còn kéo dài, có khi hơn 1 tháng và chi phí chữa trị khá tốn kém, lên tới cả trăm triệu đồng.
Ngoài bệnh nhân Chung, khoa Cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đang điều trị cho bà Trần Thị Mai (65 tuổi, ở Bắc Giang). 2 tuần trước khi nhập viện, bà Mai bị gạch rơi vào chân và chảy máu. Sau đó 1 tuần, bà Mai bị cứng hàm, khó há miệng nên người nhà đưa vào BV huyện điều trị. Thấy bệnh tình của bà Mai ngày một nặng, co giật nên các bác sĩ tại đây chuyển bệnh nhân tới BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân Mai nhập viện trong tình trạng co cứng cơ toàn thân, co giật liên tục. Bên cạnh đó, BV còn điều trị cho nhiều trường hợp khác bị uốn ván do giẫm phải đinh, tai nạn giao thông… nhưng chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván. Điều đáng nói là đa phần bệnh nhân uốn ván nhập viện muộn nên không những cơ hội sống thấp mà thời gian nằm viện còn dài ngày, chi phí điều trị lớn.
Những thanh sắt, cây đinh, vật sắc nhọn... đều có thể là thủ phạm gây bệnh uốn ván khi va chạm
Tỉ lệ tử vong cao
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi, phân gia súc, gia cầm, cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ… Trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở, dù chỉ là vết trầy xước nhỏ.
Nếu đã tiêm vaccine uốn ván quá 10 năm bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm nhắc lại
Khi đã mắc uốn ván, tỉ lệ tử vong khá cao, từ 25% đến 90%. Tuy nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng được bằng cách tiêm vaccine. Vaccine phòng uốn ván có hiệu lực tốt nhất trong khoảng 10 năm, tính từ ngày tiêm. Sau đó, hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ giảm nên dễ mắc bệnh uốn ván. Vì thế, dù đã tiêm vaccine nhưng sau 10 năm, bạn nên tiêm nhắc lại vaccine này. Còn nếu chẳng may bị thương, cần lấy hết dị vật ở vết thương ra, sau đó nên đi tiêm ngay huyết thanh chứa kháng thể uốn ván và vaccine phòng uốn ván để tránh mắc bệnh.
Bệnh uốn ván thường khởi phát sau chấn thương từ 3 đến 14 ngày. Triệu chứng của bệnh thường là trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu, tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Sau đó, các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây cứng bụng và cứng các chi. Cũng có trường hợp mắc uốn ván có biểu hiện toàn thân co cứng, ngừng thở. Vì thế, khi thấy người bệnh có các biểu hiện trên, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ) “Nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường. Khi có mặt trong vết thương bị dập, không có không khí, vết thương bị băng bó chặt, bó lá... nha bào trở thành vi khuẩn uốn ván, tiết độc tố uốn ván. Các độc tố này sẽ xâm nhập vào cơ thể, di chuyển đến hệ thần kinh và gây ra co cứng cơ hoặc co giật cơ khi có kích thích. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm”. |