Tổng quan về bệnh sỏi tiết niệu

Nguyễn Phan Thư Trinh
06/03/2020 - 11:10
Tổng quan về bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp nhất tại hệ tiết niệu, chiếm khoảng 40 -60% bệnh lý của đường tiết niệu. Sỏi tiết niệu nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Sỏi tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu của con người gồm hai thận, hai niệu quản hai bên, bàng quang và cuối cùng là niệu đạo. Sỏi tiết niệu là sự lắng cặn của muối và chất khoáng bên trong thận hay niệu quản, bàng quang, niệu đạo.

Sỏi tiết niệu có thể được tìm thấy ở đường dẫn tiểu từ thận đến niệu quản và sỏi tại bàng quang, đôi lúc trôi ra đến niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu nghĩa là đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Ở những nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, sỏi tiết niệu rất phổ biến. Sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Độ tuổi mắc bệnh thường ở người trưởng thành, trung niên, lớn tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, sỏi tiết niệu gặp ở trẻ em.

Các loại sỏi tiết niệu đều có thể thoát ra ngoài một cách tự nhiên nhưng lại khiến người bệnh rất đau đớn. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sỏi tiết niệu sẽ không gây ra các tổn hại cho cơ thể và không để lại các biến chứng sau này.

2. Phân loại sỏi tiết niệu

Có nhiều cách phân loại sỏi, dưới đây là 2 cách phân loại sỏi thường được ứng dụng trong lâm sàng

Sỏi tiết niệu

2.1 Phân loại dựa vào đặc điểm và tính chất của sỏi

Đây là cách phân loại quan trọng nhất, hay được ứng dụng trong lâm sàng, vì dựa vào cách phân loại này có thể đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Dựa vào vị trí của sỏi, chia thành 4 loại sỏi:

Sỏi thận (chiếm khoảng 40%): Gồm sỏi bể thận, sỏi đài bể thận, sỏi đài thận, sỏi san hô và sỏi bán san hô.

Sỏi niệu quản (chiếm khoảng 28%): Chia nhỏ thành sỏi 1⁄3 trên, 1⁄3 giữa và 1⁄3 dưới.

Sỏi bàng quang (chiếm khoảng 26%).

Sỏi niệu đạo (ít gặp hơn, chiếm khoảng 4%).

2.2 Phân loại dựa vào thành phần hóa học của sỏi

Gồm 2 loại sỏi là sỏi vô cơ và sỏi hữu cơ

Sỏi vô cơ:

Sỏi oxalat canxi: Là loại sỏi chủ yếu, hay gặp ở Việt Nam chiếm > 80%.

Sỏi phosphat canxi: Có màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn và dễ vỡ.

Sỏi cacbonat canxi: Màu trắng như sữa, dễ vỡ.

Sỏi hữu cơ:

Sỏi urat: Thường gặp trên những người có tăng acid uric máu, người bệnh gout.

Sỏi systin: Nhẵn màu vàng nhạt, hay tái phát.

Sỏi struvite: màu vàng trắng, thường do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

3. Các giai đoạn phát sinh sỏi tiết niệu

Có thể chia thành 3 giai đoạn sau:

3.1 Giai đoạn sớm (sỏi phát sinh, di chuyển và chưa gây ứ tắc đường tiết niệu)

Khi sỏi mới hình thành, sỏi chưa gây triệu chứng và các biến chứng, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 năm. Vì chưa có các triệu chứng hay triệu chứng rất mờ nhạt nên người bệnh thường không để ý. Nếu phát hiện và điều trị nội khoa sớm thì hiệu quả có thể lên đến 80% 

3.2 Giai đoạn cần can thiệp

Sỏi đã tắc nghẽn không di chuyển, đã có triệu chứng, có một số biến chứng như giãn đài bể thận, nhưng chưa gây biến chứng nặng (có thể hồi phục chức năng thận sau lấy sỏi). 

Các triệu chứng rõ ràng như đau và tiểu ra máu (do sỏi tắc nghẽn gây ứ niệu), các biến chứng rất nhẹ, nếu phát hiện và áp dụng các phương pháp ít sang chấn can thiệp có thể có lợi cho người bệnh.

3.3 Giai đoạn muộn

Sỏi đã gây biến chứng nặng (nhiễm khuẩn, ứ niệu, ứ mủ thận, mất chức năng thận, viêm thận bể thận xơ teo). 

Mỗi giai đoạn đều có những đặc thù riêng, cần có những cách xử trí thích ứng, kịp thời để có kết quả điều trị tốt nhất vói 2 mục đích: 

Loại trừ sỏi ra khỏi đường tiết niệu và các biến chứng của nó; 

Tái lập sự thông thoáng của đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi tái phát.

4. Tác động của sỏi đến hệ tiết niệu

Sỏi tác động đến hệ tiết niệu theo 3 cơ chế chính:

4.1 Tắc nghẽn đường tiết niệu

Sỏi thận hay sỏi niệu quản là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn đường tiết niệu, đây là phương thức tác động phổ biến nhất, gây nguy hiểm nhất đến chức năng thận. 

Tùy theo vị trí và kích thước sỏi có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn hay không hoàn toàn, cấp tính hay mạn tính. Nếu tắc nghẽn đột ngột hoàn toàn, thận sẽ ngừng bài tiết. Nếu hiện tượng tắc nghẽn xảy ra ở 2 bên hệ tiết niệu thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng vô niệu do sỏi. Nếu tắc nghẽn không hoàn toàn và mạn tính có thể dẫn đến teo đét nhu mô thận, xơ hóa và mất chức năng thận. Nếu sỏi ở đài thận có thể dẫn tới ứ niệu, gây mất chức năng từng phần của thận.

Khi sỏi tiết niệu bị tắc nghẽn tại một vị trí nào đó, nếu không được xử trí kịp thời và hiệu quả, có thể gây biến chứng và phá hủy thận nhanh chóng và nặng nề.

4.2 Kích thích cọ xát

Sỏi tiết niệu nhất là sỏi cứng, gai góc (như sỏi urat, sỏi oxalat) có thể cọ sát, cứa rạch vào tổ chức thận niệu quản, gây chảy máu kéo dài trong hệ tiết niệu. Kết quả làm ảnh hưởng đến chức năng thận, hẹp đường dẫn niệu và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn.

4.3. Nhiễm khuẩn niệu

Nhiễm khuẩn thường xảy ra trong các trường hợp bị tắc nghẽn đường tiết niệu. Thực tế lâm sàng khó phân biệt giữa nhiễm khuẩn tiết niệu dẫn tới sỏi hay sỏi tiết niệu gây nhiễm khuẩn niệu. Tuy nhiên, hậu quả cuổi cùng đều gây tổn thương chức năng thận và niệu quản.

Những phương thức tác động của sỏi tiết niệu bên trên thường kết hợp với nhau và dẫn tới hậu quả cuối cùng là phá hủy chức năng thận, gây biến dạng hệ thống tiết niệu, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

5. Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Có rất nhiều nguyên nhân, điều kiện thuận lợi giúp sỏi hình thành và phát triển, có thể kể đến ở đây như:

Nhin-tieu-co-the-la-nguyen-nhan-gay-viem-nieu-dao-01

Nhịn tiểu là một trong những nguyên nhân gây sỏi tiết niệu (Ảnh: Internet)

5.1 Thói quen sinh hoạt

Một số thói quen xấu như cố gắng nhịn tiểu qua đêm, tình trạng không uống đủ nước mỗi ngày làm cho nước tiểu bị ứ đọng và cô đặc tại hệ niệu giúp cho quá trình tạo sỏi thuận lợi hơn.

5.2 Tác dụng phụ của thuốc

Một số bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương và có sử dụng nhiều thực phẩm chức năng chứa canxi, khi cơ thể không thể hấp thụ hết lượng canxi đưa vào cơ thể sẽ bị đào thải qua thận, lượng canxi sẽ góp phần hình thành nên sỏi tiết niệu, điển hình là sỏi canxi oxalat.

Ngoài ra thói quen lạm dụng viên C sủi (Chứa nhiều vitamin C) mỗi khi cảm thấy mệt mỏi cũng là một yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thận do Vitamin C làm tăng quá trình hấp thu canxi từ ruột vào máu.

5.3 Nguyên nhân do các bệnh lý khác

Tình trạng ăn quá nhiều đạm (sử dụng quá nhiều thịt đỏ, tôm, hải sản...) làm tăng nồng độ acid uric trong máu, khi nồng độ acid uric vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể sẽ lắng đọng tại một số tổ chức gây ra bệnh Gout hay lắng đọng ở thận sẽ là yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi đường niệu.

Một số bệnh lý khác như U tuyến tiền liệt hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng là yếu tố nguy cơ gây nên sỏi tiết niệu.

6. Các đối tượng có nguy cơ sỏi tiết niệu

Những người có nguy cơ mắc bệnh:

Người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.

Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, phơi năng nhiều, người thừa cân béo phì, nghiện rượu... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương, người có bệnh cường tuyến phó giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh;

Người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những người có bất thường bẩm sinh đường tiết niệu.

Bản thân từng trải qua can thiệp đường tiết niệu.

Bị viêm đường tiết niệu nhiều lần.

Người bị mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa (toan chuyển hóa mạn, tăng canxi niệu,...).

Đang sử dụng một số thuốc.

Người lao động làm việc trong môi trường lao động nóng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận. Nguyên nhân do ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.

Người lao động làm việc tiếp xúc với cadmium (công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc qui...) và một số chất độc hại khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.

7. Triệu chứng sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu thường không có triệu chứng đau nếu viên sỏi không bị mắc kẹt ở đâu đó trong đường tiết niệu hoặc khi viên sỏi có thể trôi một cách thuận lợi ra ngoài. Triệu chứng do sỏi tiết niệu thường xuất hiện khi sỏi mắc kẹt, sỏi có kích thước lớn và có thể đã xuất hiện biến chứng.

7.1 Triệu chứng sỏi thận, sỏi niệu quản

20190515_114925_393706_noi-soi-tan-soi

Đau vùng mạng sườn thắt lưng là triệu chứng hay gặp nhất ở người bị sỏi thận (Ảnh: Internet)

Đau vùng mạng sườn thắt lưng: Đây là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm trên 90% số BN, đây cũng là lý do chính BN đi khám bệnh. Có 2 mức độ:

Đau cấp tính: điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là đau dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.

Đau mạn tính: bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.

Đái ra máu: bình thường đái máu vi thể, sau lao động vận động, xuất hiện đau và đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.

Đái ra sỏi: đây là triệu chứng ít gặp, nhưng rất có giá trị chẩn đoán.

Đái ra mủ: bệnh nhân đái đục toàn bãi, thường xuất hiện ở những bệnh nhân thận ứ mủ.

Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu do sỏi gây ứ nước có các triệu chứng: Sốt cao rét run, đái buốt, đái rắt, nhức đầu, nôn và buồn nôn.

7.2 Triệu chứng sỏi bàng quang

Thường do sỏi niệu đạo rơi xuống.

Nổi bật là tình trạng đái ngắt ngừng: bệnh nhân đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau vùng dương vật. Thay đổi tư thế lại có thể đái được. Ở trẻ em có thể gặp dấu hiệu bàn tay khai.

Đái rắt: đái tăng lần về ban ngày do bệnh nhân đi lại vận động sỏi lăn trong bàng quang gây kích thích đi đái nhiều lần, nghỉ ngơi số lần đi tiểu giảm.

Đái buốt cuối bãi.

Đái đỏ cuối bãi.

7.3 Triệu chứng sỏi niệu đạo

Đái khó, có thể bệnh nhân bị bí đái cấp tính.

Đái rắt.

Đái buốt ở đầu bãi.

8. Biến chứng của sỏi tiết niệu

Các biến chứng của sỏi tiết niệu chủ yếu ở loại sỏi thận và niệu quản

Giãn đài bể thận và thận ứ niệu: Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

Sỏi gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.

Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận, HA cao.

Sỏi gây suy thận: thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của sỏi.

Sỏi gây ra viêm loét và xơ hóa tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.

9. Điều trị sỏi tiết niệu

9.1 Điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản

Điều trị nội khoa trong trường hợp:

Kích thước sỏi nhỏ hơn 7mm, nhẵn

Chức năng thận còn tốt, lưu thông niệu quản tốt

Sỏi chưa gây biến chứng, toàn thân không quá yếu, không có bệnh mạn tính

Điều trị: Dùng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động, uống nhiều nước.

Điều trị nội khoa khi có biến chứng:

Trường hợp sỏi to, gây ảnh hưởng chức năng thận

Tình trạng người bệnh yếu Không sử dụng phương pháp phẫu thuật được

Điều trị: kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.

Điều trị bằng phẫu thuật:

Trên thế giới hiện nay ít áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam do thường đến muộn tình trạng nặng nên vẫn thường được áp dụng.

Khi có nhiều sỏi san hô

Xảy ra tai biến ở phương pháp tán sỏi

Sỏi kèm hẹp đường tiết niệu

Các phương pháp điều trị bao gồm: Mở bể thận, mở niệu quản lấy sỏi, dẫn lưu thận khi ứ mủ, cắt thận khi thận không còn chức năng.

Điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn:

Là phương pháp hiệu quả được áp dụng rộng rãi trên thế giới bao gồm các phương pháp:

Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng khi sỏi thận< 2cm, sỏi niệu quản < 1cm, chức năng thận còn tốt, lưu thông bể thận niệu quản bình thường, không có bệnh lý ở thận như u thận... Với phương pháp này có thể điều trị được tới 60% sỏi cần can thiệp.

Tán sỏi qua nội soi niệu quản: Áp dụng khi sỏi < 1cm, chức năng thận còn tốt. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.

Lấy sỏi qua da: Là sỏi san hô, sỏi thận hay sỏi 1⁄3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.

Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Với những loại sỏi kích thước to > 1cm, hay điều trị bằng các phương pháp trên thất bại. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.

9.2 Điều trị sỏi bàng quang

Điều trị nội khoa: Sỏi nhỏ, mới từ niệu quản rơi xuống, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.

Điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn: Lấy sỏi qua nội soi: Khi sỏi nhỏ < 3cm, không đái ra sỏi được.

Điều trị phẫu thuật: Chỉ định khi sỏi to > 3cm, sỏi bàng quang kèm các bệnh gây hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt...

9.3 Điều trị sỏi niệu đạo

Căn cứ vào vị trí sỏi để có phương pháp điều trị phù hợp

Sỏi ở niệu đạo trước: Gắp sỏi niệu đạo qua miệng sáo.

Sỏi ở niệu đạo sau đẩy ngược vào bàng quang và điều trị như sỏi bàng quang.

Phẫu thuật áp dụng khi: Sỏi kẹt ở niệu đạo không gắp và không đẩy được vào bàng quang, sỏi ở túi thừa bàng quang hay có hẹp niệu đạo.

10. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sỏi tiết niệu

- Uống nhiều nước

Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu, nước tiểu sẽ được pha loãng, nồng độ các chất canxi, oxalat... trong nước tiểu sẽ giảm đi, giúp ích cho quá trình điều trị bệnh và ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát. Người bị sỏi tiết niệu nên uống khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày nhằm tăng lượng nước tiểu lên trên 2,5 lít.

Sỏi tiết niệu

Bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu nên uống nhiều nước (Ảnh: Internet)

Ngoài nước lọc, người bệnh nên uống thêm các loại nước lợi tiểu, thanh mát như: nước râu ngô, nước rễ cỏ tranh, nước bông mã đề... Rất nhiều người bị sỏi tiết niệu tái phát do không uống đủ nước hàng ngày.

Tùy theo tình hình thời tiết có thể tăng hoặc giảm lượng nước uống hàng ngày. Nếu trời nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, người bệnh nên tăng lượng nước lên 3 - 4 lít. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc mà cần chia đều vào các thời điểm trong ngày. Trước khi đi ngủ và ngay sau khi thức dậy nên uống 1 cốc nước đầy để pha loãng nước tiểu tích trữ cả đêm.

Lưu ý, không được uống các loại nước có chứa muối, sẽ làm tăng các chất tạo sỏi trong nước tiểu.

- Ăn uống điều độ, đủ bữa

Ăn uống không điều độ, bỏ bữa là một trong những nguyên nhân khiến sỏi tiết niệu tái phát. Nhiều người bị bệnh do thói quen chỉ ăn 1 bữa chính trong ngày, bỏ bữa sáng, ăn nhiều vào bữa tối. Việc ăn quá nhiều chất bổ, đạm, chất khoáng vào bữa tối, sau đó đi ngủ khiến cơ thể tích trữ quá nhiều và quá lâu các chất tạo sỏi, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nên ăn đầy đủ 3 bữa trong ngày, cân bằng các chất dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá nhiều muối và quá nhiều chất đạm. Bữa ăn cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm cần thiết cho cơ thể như: tinh bột, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả, sữa, chất béo...

Người bị sỏi tiết niệu nên ăn nhiều các thức ăn chứa citrate, potassium và magnesium như: ngũ cốc, đậu, nước chanh, nước cam, rau xanh...

- Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít đường

Rau củ quả cung cấp rất nhiều vitamin, chất xơ cho cơ thể. Ngoài ra, rau xanh còn giúp giảm độ mặn trong thực phẩm, cân bằng lượng đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cần bổ sung nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít đường trong chế độ ăn của người bị sỏi tiết niệu. Hạn chế ăn các loại hoa quả nhiều đường như: xoài, na, chuối...

- Ăn nhạt

Muối là tác nhân gây tăng các chất tạo sỏi trong nước tiểu. Ngoài ra, natri trong muối còn cản trở quá trình đào thải canxi, oxalat, axit uric... Rất nhiều người bị sỏi tiết niệu do thói quen ăn mặn. Để điều trị và ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát người bệnh nên ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối trong bữa ăn hàng ngày. Mỗi ngày không quá 8gr muối và phải chia đều trong các bữa ăn. Nên sử dụng các loại thực phẩm có mùi vị như các loại rau thơm, dứa, lá thơm, hành... để thức ăn vẫn thơm ngon ngay cả khi nêm nhạt.

20191010_152349_607833_han-che-an-muoi-khi

Người bị sỏi tiết niệu nên hạn chế ăn muối (Anhr: Internet)

Nếu ăn quá mặn, thận sẽ phải làm việc liên tục để đào thải lượng muối thừa ra khỏi cơ thể. Lâu ngày sẽ làm thận yếu đi, tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận. Ngoài ra, muối cũng là tác nhân gây các bệnh tim mạch, huyết áp. Ăn nhạt vừa giúp ngăn ngừa sỏi tiết niệu tái phát, vừa bảo vệ sức khỏe cho bạn và người thân trong gia đình.

- Ăn kiêng theo từng loại sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có nhiều loại như: sỏi canxi, sỏi urat, sỏi oxalat... Với mỗi loại sỏi, người bệnh cần kiêng các loại thực phẩm chứa các chất tương ứng

Sỏi canxi: người bị sỏi canxi cần kiêng các thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, các loại hải sản, socola, trai, hến, rau cần, rau diếp cá, rau xà lách, các loại đậu...

Sỏi phosphat: người bị sỏi phosphat nên kiêng sữa, các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc, gạo lứt, các loại đậu, các loại hoa quả sấy khô, cua, bào ngư, cá mòi, nội tạng động vật...

Sỏi oxalat: người bị sỏi oxalat nên kiêng nhiều loại rau củ quả, thực phẩm chứa nhiều oxalat như: dưa chuột, măng tây, củ cải đỏ, rau dền, rau muống... Kiêng một số loại hoa quả như: dâu tây, me chua...

Sỏi urat hoặc sỏi oxalat kết hợp với urat: người mắc 2 loại sỏi này cần kiêng thịt bò, thịt mỡ, các loại cá biển, nội tạng động vật, socola, tôm, tép, nấm...

11. Cách phòng ngừa bệnh sỏi tiết niệu

Để phòng tránh sỏi tiết niệu, mỗi người nên thực hiện lối sống và chế độ ăn lành mạnh kết hợp với tập luyện một cách hợp lý:

Uống đủ nước mỗi ngày

Giữ vệ sinh tốt, tránh nhiễm khuẩn tiết niệu

Tránh thói quen nhịn tiểu

Chăm vận động, tập luyện thể dục thể thao.

Sự hình thành, tiến triển của sỏi tiết niệu có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận hay thậm chí là dẫn tới tử vong. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan trước sức khỏe của mình. Nếu có những triệu chứng bất thường như đau, tiểu ra máu, tiểu buốt,... thì bạn nên thực hiện thăm khám hệ thống tiết niệu để sớm phát hiện và điều trị bệnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm