pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổng quan về bệnh than: Các thể lây nhiễm nguy hiểm và cách phòng tránh
Sau hàng chục năm không ghi nhận ca mắc mới nào ở Việt Nam, gần đây, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) liên tiếp báo cáo 3 ca mắc bệnh than chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông quốc tịch Sri Lanka, làm việc trên tàu viễn dương. Người đàn ông có tiền sử đái tháo đường nhập viện với các cụm nhọt nhiễm trùng và ổ mủ chạy dọc chiều dài sống lưng đến hai bên hông. Ngày 14/5, bệnh nhân đã được hội chẩn, phẫu thuật rạch tháo mủ, cắt lọc và làm sạch các ổ nhiễm trùng.
Bệnh nhân thứ hai là một người phụ nữ 75 tuổi sống ở Hà Nội. Bệnh nhân cũng có tiền sử đái tháo đường và thêm ung thư vú đã phẫu thuật. Ngày 19/5, bệnh nhân với triệu chứng sưng tấy, hoại tử một vùng da rộng ở lưng vì bệnh than cũng đã được phẫu thuật và xem xét ghép da.
Bệnh nhân cuối cùng được điều trị vào ngày 23/5 là một người phụ nữ 56 tuổi ở Hòa Bình. Bệnh nhân này cũng nhập viện với những ổ áp xe, hoại tử nhiều vách ở vùng gáy. Tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với Bacillus anthracis, một chủng vi khuẩn gram dương gây bệnh than.
1. Bệnh than là gì?
GS.TS Nguyễn Đức Chính - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết bệnh than còn được gọi với cái tên là "Hậu bối". Trước đây, bệnh hay được gọi bằng tên thuật ngữ là Anthrax – bệnh than hoặc tiếng Anh là Carbuncle được định nghĩa là cụm nhọt, bao gồm nhiều các nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông tập trung thành đám tạo nên và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da.
Bệnh than là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do vi khuẩn hình thành bào tử Bacillus anthracis gây ra. Bệnh gặp cả ở người và động vật. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, bệnh than nổi tiếng vì đã được sử dụng như một vũ khí sinh học.
Trong thế kỷ 20, bệnh than từng giết chết hàng trăm ngàn người và động vật mỗi năm. Nhưng đến nay, mỗi năm cả thế giới chỉ còn ghi nhận khoảng 2.000 bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu ở Châu Phi, Trung và Nam Á.
2. Cơ chế lây nhiễm bệnh than
Bacillus anthracis là một chủng vi khuẩn gram dương, kỵ khí dạng hình que với kích thước khoảng 1 x 9 μm. Vi khuẩn gây bệnh than thường tồn tại dưới dạng bào tử trong đất, và có mặt ở khắp mọi nơi thế giới.Bào tử bệnh than có thể tồn tại ở dạng bất hoạt trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ. Động vật hoang dã và gia súc ăn cỏ như cừu, ngựa và dê thường dễ bị nhiễm bệnh than do ăn phải bào tử của chúng nhất.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh than ở người xảy ra do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, thịt hoặc da của chúng. Bệnh than hiếm khi lây từ người sang người, chỉ trừ khi ai đó tiếp xúc trực tiếp với các ổ mủ chứa vi khuẩn của bệnh nhân đã nhiễm bệnh, khiến vi khuẩn bệnh than xâm nhập qua vết thương hở trên da, đường hô hấp hoặc tiêu hóa.
Một trong số ít các trường hợp lây truyền bệnh than không điển hình được biết đến xảy ra vào năm 2001. Đó là một cuộc tấn công khủng bố sinh học tại Mỹ khiến 22 người mắc bệnh than sau khi tiếp xúc với các bào tử được gửi qua phong bì thư. 5 trong số những người bị nhiễm bệnh đã chết.
3. Triệu chứng của bệnh than
Có bốn thể bệnh than phổ biến, mỗi thể lại có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng bệnh sẽ khởi phát trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh than thể hô hấp có thể ủ bệnh tới 6 tuần mới khởi phát.
3.1 Bệnh than nhiễm qua da
Bạn có thể bị nhiễm bệnh than khi vi khuẩn Bacillus anthracis xâm nhập vào cơ thể bạn qua da, thường là qua các vết cắt, vết thương hở hoặc vết loét sẵn có. Lây qua da là con đường phổ biến nhất lan truyền bệnh than. Nhưng nó lại là thể bệnh nhẹ nhất. Với phương pháp điều trị thích hợp, bệnh than lây qua da hiếm khi gây tử vong. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh than lây qua da bao gồm:
- Một vết sưng nổi lên, ngứa ngáy giống như vết côn trùng cắn, nhưng nhanh chóng phát triển thành một vết nhọt có tâm màu đen.
- Sưng tấy trong vết nhọt và các tuyến bạch huyết gần đó.
- Đôi khi có các triệu chứng giống như cúm bao gồm sốt và đau đầu.
3.2 Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa
Bạn có thể bị nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa sau khi ăn thịt chưa nấu chín của động vật bị nhiễm bệnh. Bệnh than đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng suốt từ cổ họng đến ruột kết của bạn. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau bụng
- Đau đầu
- Ăn mất ngon
- Sốt
- Tiêu chảy nặng, có máu trong giai đoạn sau của bệnh
- Đau họng và khó nuốt
- Cổ bị sưng
3.3 Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp
Bạn có thể bị nhiễm bệnh than qua đường hô hấp khi hít phải bào tử vi khuẩn Bacillus anthracis. Đây là thể bệnh than nguy hiểm nhất và thường gây tử vong ngay cả khi được điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu bao gồm:- Các triệu chứng giống với bệnh cúm trong vài giờ hoặc vài ngày đầu, chẳng hạn như đau họng, sốt nhẹ, mệt mỏi và đau cơ
- Khó chịu ở ngực
- Hụt hơi
- Buồn nôn
- Ho ra máu
- Nuốt đau
- Sốt cao
- Khó thở
- Sốc - một tình trạng y tế cấp tính liên quan đến sự sụp đổ của hệ thống tuần hoàn
- Viêm màng não
3.4 Bệnh than nhiễm qua đường tiêm
Đây là một con đường lây nhiễm bệnh than mới nhất. Bệnh than thường nhiễm qua đường tiêm khi các đối tượng nghiện ma túy dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu bao gồm:- Đỏ ở vùng tiêm (không có vùng chuyển sang màu đen)
- Sưng đáng kể
- Sốc
- Suy đa tạng
- Viêm màng não
4. Bệnh than nguy hiểm như thế nào?
Như đã nói, thể phổ biến nhất của bệnh than là lây nhiễm qua da, với 95% số bệnh nhân rơi vào thể này. Tuy nhiên, bệnh than lây qua da cũng nhẹ nhất và có thể được điều trị khỏi. Bệnh nhân nhiễm bệnh than qua da hiếm khi tử vong. Chỉ khi không được điều trị, 24% bệnh nhân mắc bệnh than qua da mới tử vong do bị nhiễm độc máu.
Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa có tỷ lệ tử vong từ 25-75%, tùy thuộc vào thời gian chẩn đoán và điều trị sớm hay muộn. Trong khi đó, bệnh than nhiễm qua đường hô hấp có tỷ lệ tử vong cao nhất, lên tới 50-80% ngay cả khi đã được điều trị.
Bệnh nhân nhiễm bệnh than thường tử vong sau khi máu của họ bị nhiễm trùng, dịch lỏng tụ trong não và tủy sống dẫn đến chảy máu ồ ạt và xuất huyết trong não.
5. Ai là người dễ nhiễm bệnh than?
Tiếp xúc trực tiếp với bào tử bệnh than sẽ khiến bạn bị nhiễm bệnh. Điều này khiến những ai thuộc đối tượng sau đây có tỷ lệ mắc bệnh than cao hơn người bình thường:
- Người đang ở trong quân đội và được triển khai đến một khu vực có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bệnh than.
- Làm việc với bệnh than trong môi trường phòng thí nghiệm
- Người xử lý da động vật, lông thú hoặc len từ các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh than cao
- Người làm việc trong ngành thú y
- Người nghiện và tiêm chích ma túy bất hợp pháp, như heroin
6. Phòng ngừa bệnh than
Để ngăn ngừa nhiễm trùng sau khi tiếp xúc với bào tử bệnh than, chúng ta cần:- Tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
- Tiêu hủy động vật mắc bệnh than đúng cách (chôn sâu, rải vôi bột để tẩy uế).
- Không buôn bán và sử dụng da của những súc vật nhiễm bệnh than. Không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.
- Những đối tượng rơi vào nguy cơ tiếp xúc và mắc bệnh than cao nên tiêm vắc-xin, mặc dù vắc-xin bệnh than không được phổ biến rộng rãi cho toàn bộ cộng đồng.