TPHCM: Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết thế nào?

Hùng Anh (thực hiện)
25/01/2022 - 17:40
TPHCM: Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết thế nào?

Tiểu thương tại chợ Bến Thành, TPHCM. Ảnh: Đình Hưng

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là một nhiệm vụ hàng đầu của người làm công tác an toàn thực phẩm. PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM (QLATTP) về vấn đề này.

PV: Bước vào năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, Ban QLATTP TPHCM có những kế hoạch cụ thể như thế nào để thanh kiểm tra thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân thành phố, thưa bà?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Người dân TPHCM đang bước vào năm mới và đón xuân Nhâm Dần 2022. Để bảo đảm ATTP cho người dân, chúng tôi tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022. Ban QLATTP thành lập 11 Đoàn kiểm tra chuyên ngành với thành phần gồm các cán bộ, công chức, viên chức của Phòng Thanh tra Ban QLATTP; đại diện chính quyền địa phương. Các đoàn sẽ kiểm tra, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TPHCM, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...

TPHCM: Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp Tết thế nào? - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM

PV: Thời điểm Tết Nguyên đán, người dân đi du xuân rất đông, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại những cơ sở vui chơi, du xuân như thế nào?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, trong suốt thời gian diễn ra hội hoa xuân và chợ hoa tết, chúng tôi, đề nghị các cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ có liên quan (nguồn gốc thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm...) và cơ sở hoạt động phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban QLATTP sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện trên địa bàn theo phân cấp tổ chức.

PV: TPHCM đã đón học sinh trở lại trường, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học được đặt ra thế nào?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi phối hợp Sở GD&ĐT trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM. Qua đó, đề nghị các trường học phải đảm bảo an toàn thực phẩm khi phục vụ ăn uống cho học sinh, chỉ nhận suất ăn từ các cơ sở cung cấp suất ăn chấp hành đúng các quy định về an toàn thực phẩm (có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đầy đủ hóa đơn chứng từ nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu...). Cùng với đó, chúng tôi đề nghị UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại trường học trên địa bàn thành phố, lưu ý việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học...

PV: Đâu là những giải pháp đột phá bảo đảm sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người dân TPHCM trong năm 2022?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Trọng tâm năm 2022 của Ban QLATTP vẫn là "Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, tăng cường nhận thức người sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn thành phố về an toàn thực phẩm".

Chúng tôi có chương trình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng thành phố; tiếp tục triển khai Dự án chợ thực phẩm an toàn giai đoạn sau năm 2020; tiếp tục phối hợp với các tỉnh giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm từ tỉnh đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Ban QLATTP tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành an toàn thực phẩm theo định hướng trọng tâm của bộ, ngành Trung ương, đánh giá thực trạng về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố nhằm phát hiện, cảnh báo mối nguy thực phẩm; xử lý và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Chúng tôi luôn chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; cập nhật kịp thời trên trang thông tin điện tử các thông tin hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, danh sách các sản phẩm doanh nghiệp tự công bố, hoạt động quảng cáo thực phẩm, thông tin về các sản phẩm thực phẩm an toàn, thực phẩm không đảm bảo an toàn, công khai các đơn vị vi phạm để người tiêu dùng nhận biết.

PV: Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm