BS.CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, so với trước tết số lượng bệnh nhân mắc sởi nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện trong khoảng thời gian sau tết thay đổi không nhiều, trong tầm kiểm soát.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có hơn 978 ca mắc sởi. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới. Bên cạnh đó, ý thức phòng ngừa bệnh sởi của người dân còn kém.
Hiện bệnh sởi đã có mặt ở tất các quận huyện trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung nhiều ở các quận Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, 7, 8 và huyện Bình Chánh… Đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng. Dự báo tình hình bệnh sởi trên địa bàn thành phố sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Theo bác sĩ Thúy Hoa, khi mắc sởi, bệnh nhân có các dấu hiệu sốt. Sau đó có triệu chứng viêm long điển hình như ho khan, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc… Trong họng sẽ có những chấm trắng nhỏ; sau vài ngày ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay và chân.
Khi mắc sởi, không nhất thiết tất cả các bệnh nhân phải nhập viện, các bệnh nhân có thể đến khám tại các cơ sở y tế quận, huyện… Chỉ nên nhập viện đối với những trường hợp cơ địa đặc biệt có nguy cơ biến chứng như phụ nữ có thai, hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi. Còn những trường hợp khác có thể điều trị cách ly tại nhà.
Đối với phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, từ 18 tuổi trở lên nên chích ngừa vaccine sởi. Khi có thai tuyệt đối không được chích ngừa sởi. Phụ nữ mang thai cần hạn chế tới những nơi đông người, những vùng có dịch sởi. Trong gia đình nếu có người mắc sởi thì mọi người cần phải vệ sinh sạch sẽ, mang khẩu trang y tế phòng bị lây nhiễm từ người bệnh.
Để phòng ngừa bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp. Đồng thời người dân phải tăng cường rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.