pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM: Đồng hành, hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ khởi nghiệp
Doanh nhân Nguyễn Thị Trang Phương trao bảng tượng trưng 600 triệu đồng - tương đương 20 suất đào tạo nghề spa miễn phí cho phụ nữ TPHCM - Ảnh: Huy Linh
Ngày 28/7, dự án SHE Journey (Hành trình phụ nữ hỗ trợ phụ nữ) do doanh nhân Nguyễn Thị Trang Phương khởi xướng, kết hợp với Hội LHPN TPHCM đã diễn ra tại TPHCM. Chương trình nhằm truyền cảm hứng, động viên và giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp.
Tại sự kiện, doanh nhân Nguyễn Thị Trang Phương đã trao bảng tượng trưng 600 triệu đồng - tương đương 20 suất đào tạo nghề spa miễn phí cho phụ nữ trên địa bàn thành phố. Sau đó, Hội LHPN TPHCM sẽ làm việc với các địa phương để đưa các suất học này đến với những hoàn cảnh phù hợp, cần hỗ trợ.
Doanh nhân Nguyễn Thị Trang Phương mong muốn, trong thời gian tới, hành trình này sẽ đến gần hơn với các phụ nữ tại các quận huyện và TP Thủ Đức nhằm truyền cảm hứng, đồng hành cùng phụ nữ để có công việc, kế sinh nhai an toàn, ổn định. Mục tiêu của dự án là giúp ngày càng nhiều phụ nữ có thể cải thiện kinh tế trong tương lai, giúp họ khẳng định được bản thân trong cuộc sống, bên cạnh việc chăm sóc gia đình.
Chia sẻ về sự kết hợp thực hiện dự án, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho hay: "Qua tìm hiểu, các dự án Trang Phương đã làm, xuất phát từ tình cảm dành cho phụ nữ, đặc biệt cho người mẹ, có thông điệp rõ ràng, chạm đến trái tim phụ nữ. Từ đó Hội có thể kết hợp, nhờ sự hỗ trợ từ Trang Phương, góp phần giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn, lan toả những giá trị tích cực, tốt đẹp, đặc biệt với chị em đang muốn, ấp ủ khởi nghiệp chưa thực sự tự tin, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng".
Phụ nữ vẫn còn gặp khó trong khởi nghiệp
Khởi nghiệp không còn là khái niệm xa lạ với phụ nữ. Bên cạnh những trường hợp thành công, vẫn còn không ít những vấn đề khiến phụ nữ gặp khó trong hành trình này.
Bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN quận 7, TPHCM cho biết ở địa phương phụ nữ khởi nghiệp đôi khi chỉ xuất phát từ sản phẩm, thức ăn trong gia đình. Sự khởi nghiệp của phụ nữ chỉ từ công việc tại nhà, chưa có mô hình lớn. Phụ nữ tại địa phương cũng đạt được những thành quả nhất định. Bà Ánh cho biết phụ nữ vẫn mong được sự đồng hành về phương pháp, hỗ trợ, định hướng để mở rộng quy mô.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ, TPHCM, ở địa phương hiện tại việc khởi nghiệp của phụ nữ cũng có những khó khăn. Những mặt hàng, sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ chưa phát triển. Những sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ ở địa phương giống như nhiều nơi, bắt nguồn từ các sản phẩm nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
"Phụ nữ ít làm chủ doanh nghiệp. Hội cũng thành lập 1 câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp với các ngành nghề đơn giản, không có công ty, xí nghiệp lớn. Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thì cần nguồn vốn, kỹ năng, có sự định hướng từ doanh nghiệp lớn, định hướng đầu ra", bà Thúy nói.
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Tân Phú, TPHCM cho rằng việc đồng hành, hỗ trợ để tăng sức mạnh cho nhau là điều cần thiết, đặc biệt khi phụ nữ khởi nghiệp thường non nớt, thiếu kinh nghiệm. "Khi có sự đồng hành, giúp mọi người vững tin hơn", bà Lành nói và nhấn mạnh sự đồng hành là yếu tố giúp phụ nữ tại địa phương thu về kết quả tốt ban đầu. Họ cùng nhau đến các sự kiện để giới thiệu sản phẩm, tạo ra sản phẩm đặc biệt, ý tưởng mới, phân công công việc, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Doanh nhân Nguyễn Thị Trang Phương cho biết, thông qua quá trình tiếp cận, lắng nghe chia sẻ từ phụ nữ thì dự án SHE Journey không chỉ giúp đào tạo học nghề mà còn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong việc hoạch định kế hoạch phát triển phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân; đặc biệt phù hợp với tình hình địa phương.