TPHCM phê duyệt đề án “Thành phố thông minh”

24/11/2017 - 22:03
Ngày 24/11, UBND TPHCM đã quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Đề án đặt ra 4 mục tiêu tổng quát: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Trong hàng loạt giải pháp đề xuất thực hiện đề án, thành phố xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; xây dựng trung tâm điều hành thông minh thành phố; thành lập trung tâm an toàn thông tin thành phố. 

1.jpg
TPHCM là một trong những đô thị có tốc độ phát triển rất nhanh, đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức

 

Việc thực hiện đề án nhằm giải quyết các thách thức chính hiện nay như dân số tăng; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị, bao gồm công tác dự báo, quy hoạch và điều hành của thành phố còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, hành chính công... chưa tốt.

“Thành phố thông minh” góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp; và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.

3.jpg
Với đô thị thông minh, nhiều vấn nạn của thành phố hiện nay sẽ được giải quyết cơ bản

 

Người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập; và hệ thống giao thông vận tải đạt hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất lao động.

Thông qua dự báo, “thành phố thông minh” giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, từ đó, cho phép nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên cũng đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai, nhằm đảm bảo phát triển bền vững:.

2.jpg
Đề án xây dựng đô thị thông minh sẽ mở ra hướng phát triển thành phố hiện đại, văn minh, bền vững

 

Theo UBND TP.HCM, vận hành một đô thị lớn như TP.HCM đòi hỏi việc phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Do đó ưu tiên hàng đầu là phải xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố. 

Kho dữ liệu dùng chung này sẽ là nơi sẽ khai thác tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hằng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

 

4 nguyên tắc định hướng của “thành phố thông minh”

Nguyên tắc 1: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao.

Nguyên tắc 2: Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân.

Nguyên tắc 3: Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển.

Nguyên tắc 4: Huy động mọi nguồn lực.

 

5.jpg

 

“Thành phố thông minh” phục vụ 4 chủ thể của đô thị

Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, “thành phố thông minh” sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. 

Thứ hai, đối với người dân, “thành phố thông minh” giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. 

Thứ ba, với doanh nghiệp, “thành phố thông minh” sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác. 

Thứ tư, đối với các tổ chức xã hội, “thành phố thông minh” tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ của thành phố.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm