Việc TAND Tối cao quyết định cho phép TAND tỉnh, thành phố thành lập "Tòa Gia đình và người chưa thành niên" phải dựa trên các cơ sở và tiêu chí cụ thể như: Số lượng vụ việc liên quan tới gia đình và chưa thành niên được xử lý hàng năm; biên chế, nhân sự và cơ sở vật chất của Tòa án. Ngoài ra, cán bộ tiến hành tố tụng, đội ngũ cán bộ công an, kiểm sát, tòa án, luật sư, hội đồng thẩm phán… cần phải hiểu biết rõ tâm lý của người chưa thành niên…
Dự kiến, tháng 4/2016, Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ có phòng xét xử "Tòa án Gia đình và người chưa thành niên". |
Khi đó, toàn bộ những vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em như: Việc ly hôn liên quan đến trẻ em; các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc bị cáo đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi, bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý… sẽ được xét xử tại "Tòa Gia đình và người chưa thành niên".
“Tòa Gia đình và người chưa thành niên” sẽ hạn chế việc trẻ em bị tổn thương tâm lý khi cha mẹ ly hôn. Ảnh: Internet. |
Theo luật sư Nguyễn Thị Loan (TP.HCM), việc thành lập "Tòa Gia đình và người chưa thành niên" là cần thiết và phù hợp với thực tiễn bởi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Lúc đó, các vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên sẽ được xét xử sâu sát hơn, tránh các diễn biến, tác động không tốt về mặt tâm sinh lý của từng đối tượng.
“Tôi hi vọng, sự ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên ở Việt Nam trong tháng tới sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục, giúp đỡ người vị thành niên phạm pháp sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và nhiều trẻ em cũng sẽ được chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình”, luật sư Loan chia sẻ.