TPHCM: Số trẻ tăng động có chiều hướng tăng mạnh

04/09/2017 - 15:04
6 tháng đầu năm 2017, Khoa tâm lý - tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã tiếp nhận 2.130 trẻ em đến khám vì rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nhiều hơn cùng kỳ 2016 tới 450 ca. Chỉ riêng trong tháng 7/2017 đã tiếp nhận đến 400 ca ADHD.

Số ca rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em khu vực TPHCM thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng, nhưng việc phát hiện từ triệu chứng là rất khó.
Theo BS Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa tâm lý - tâm thần trẻ em, BV Tâm thần TPHCM, bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi rối loạn trong chú ý, tập trung, mức độ hoạt động và kiểm soát xung động. Đây là bệnh có yếu tố đa nguyên nhân và mang xu hướng di truyền. 

1.jpg
Trẻ bị tăng động có nhiều biểu hiện bất thường nhưng phụ huynh không dễ xác định

Các triệu chứng bệnh khởi phát ở độ tuổi rất nhỏ, có thể kéo dài suốt cuộc đời và cùng tồn tại với các rối loạn tâm thần khác. Trẻ bị bệnh này có chỉ số thông minh (IQ) thấp, có ít lòng tự trọng và kỹ năng xã hội kém.

Nếu bố mẹ tinh ý sẽ phát hiện được khi trẻ chưa biết đi: Trẻ hay chòi đạp, liên tục vận động, khi ngủ mới không chòi đạp. Từ 15-16 tháng, khi trẻ biết đi thì thường lại chỉ chạy, luôn leo trèo, phá phách, không bao giờ ngồi yên. 

Đến tuổi đi học, trẻ thường gây xáo trộn cả lớp, quậy phá liên tục, nói rất nhiều, tay chân không bao giờ để yên. Có khi cô đang dạy, trẻ tự ý đứng dậy đi lung tung, “bỏ ngoài tai” hầu hết những lời nhắc nhở của cô giáo…

2.jpg
Trẻ bị tăng động thường bị bạn bè ghét bỏ, cô lập

Trẻ bị bệnh ADHD thường bị bạn bè ghét bỏ, thầy cô kỳ thị, phạt đòn vì cho là trẻ ngỗ ngược, khó dạy, thậm chí khép các em vào loại học sinh cá biệt, càng khiến trẻ dễ bị cảm giác cô độc, tự ti, khó hòa nhập. 

"ADHD là bệnh cần điều trị lâu dài. Trẻ dưới 6 tuổi được trị liệu tâm lý là chính, nhưng cũng phải dùng thuốc nếu bệnh quá nặng. Trẻ trên 6 tuổi sẽ ưu tiên điều trị thuốc đặc hiệu, kết hợp với trị liệu hành vi. Việc điều trị cho bé còn bằng biện pháp tư vấn, huấn luyện cho cha mẹ, can thiệp giáo dục phù hợp, được nhà trường và thầy cô giáo quan tâm hỗ trợ. Nếu không được điều trị, khi còn nhỏ trẻ đến trường càng bị kỳ thị, khiến trẻ chán nản, buồn rầu, mặc cảm, tự ti, sợ đi học thì kéo theo những rối loạn lo âu, ám ảnh khác. Lâu ngày trẻ dễ bị rối loạn hành vi, rối loạn về nhận thức. Đến tuổi vị thành niên, trẻ hay bốc đồng, dễ bị xúi giục làm những điều sai trái – có khi là vi phạm pháp luật một cách vô thức, tăng nguy cơ nghiện ngập. Khi trưởng thành, tăng nguy cơ thay đổi công việc thường xuyên, tự tử, gặp các vấn đề về quan hệ xã hội”, BS Giang cho biết.

3.jpg
Ở nước ngoài, trẻ bị tăng động thường có hẳn một ê kíp phát hiện và điều trị tận tình

Ở nước ngoài trẻ bị bệnh ADHD luôn có một êkip điều trị gồm bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý, nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, bác sĩ học đường... Ở Việt Nam thì không những chưa có những đội ngũ chuyên gia phát hiện và điều trị bệnh này cho trẻ, mà ngay trong các cơ sở giáo dục còn có chuyện trẻ tăng động bị phân biệt đối xử, bị cô lập, khiến việc điều trị càng khó khăn hơn. Tình trạng gia tăng số ca trẻ bị tăng động giảm chú ý ở TPHCM thời gian gần đây là một vấn đề đáng báo động, phụ huynh không thể coi thường.

Vì thế, khi thấy trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý, phụ huynh cần đưa tới bác sĩ chuyên khoa khám để có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

4.jpg
Việt điều trị chứng tăng động đòi hỏi thời gian lâu dài, sự kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, phụ huynh và nhà trường
ADHD là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, với tỉ lệ mắc khoảng 3,5-18,7% trẻ em ở độ tuổi đi học. 70% trẻ em bị bệnh này sẽ kéo dài tới tuổi vị thành niên, 50-60% kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bé trai mắc nhiều hơn bé gái (tỉ lệ 3:1). Hiện thuốc để điều trị căn bệnh này khá đắt, lại chưa có trong danh mục BHYT thanh toán, nên nhiều gia đình kinh tế khó khăn không có điều kiện để điều trị tới nơi tới chốn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm