Theo số liệu Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn thành phố có gần 7.210 ca SXH nhập viện, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 3.820 ca). Trong đó, số ca tử vong do SXH từ đầu năm 2016 đến nay là 2 ca, tương đương với cùng kỳ năm 2015.
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền tác nhân gây bệnh từ người bệnh sang người lành. SXH thường xảy ra vào mùa mưa, sau khi bị muỗi mang mầm bệnh chích khoảng 1 tuần đến 10 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt, thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. "Trong trường hợp bé sốt kéo dài không giảm và xuất hiện các biến chứng như: Nôn, đi tiểu ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu chân răng… cần đưa bé đến ngay các trung tâm y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nam khuyến cáo.
Khi trẻ sốt kéo dài không giảm, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh |