TPHCM: Vẫn còn thực phẩm không rõ nguồn gốc đang trữ trong kho lạnh

20/02/2019 - 16:04
Tại một số kho lưu trữ và bảo quản thực phẩm trên địa bàn TPHCM hiện vẫn còn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.
Thống kế cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện nay có hơn 50 kho bảo quản thực phẩm lớn nhỏ khác nhau với tổng sản lượng hơn 100.000 tấn/năm. Các kho thường dùng để bảo quản thực phẩm nhập khẩu như thịt, thủy hải sản, trái cây, sữa, bánh, kẹo, các sản phẩm chế biến và các nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm.
 
Trong thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sai phạm. Các trường hợp vi phạm thường gặp là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, kho chứa thực phẩm chưa có chế độ vệ sinh định kỳ, sàn kho bám bẩn…
 
Cụ thể, Ban đã phát hiện 14 trường hợp sai phạm, xử phạt với số tiền hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã tiến hành tiêu hủy gần 30.000 kg thịt heo, 1.000 kg da heo, hơn 2.200 kg lòng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ; hơn 1.400 kg thịt heo, 108 kg thịt bò nhập khẩu hết hạn sử dụng.
 
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đánh giá, nếu các kho bảo quản thực phẩm bảo quản không tốt hoặc để cho thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không đảm bảo chất lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong những thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
 
 
kho-lanh.jpg
Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra sản phẩm trong kho lạnh. Ảnh minh họa

 

Tại Hội nghị tổng kết Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 tổ chức mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, đến nay đã cơ bản thực hiện được những kế hoạch đã cam kết với người dân và thành phố. Tuy nhiên công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn vướng một số khó khăn hạn chế.
 
Cụ thể là tình trạng thiếu nhân lực trong khi địa bàn thành phố quá rộng lớn. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Thực tế trên đã tạo ra những lỗ hổng, kẽ hở cho các đối tượng vi phạm chây ì, gian lận, bỏ trốn… việc xử lý vi phạm đi vào bế tắc.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, để chặn đứng được lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, ngoài thực hiện đồng bộ các biện pháp về chống thực phẩm bẩn, thì song song đó cần nỗ lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Một trong những tiêu chính đánh giá công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có được phát triển hay không chính là chỉ số tăng thực phẩm sạch chứ không chỉ dừng ở phát hiện được nhiều vụ việc, xử lý vi phạm…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm